tiếng, “mày ngoan lắm.” Vì thực sự thì, còn có thông điệp nào quan trọng
hơn thế đâu cơ chứ?
Đưa mắt liếc quanh, tôi nhận thấy rằng ông nội, như thường lệ, đã phớt
lờ lời cầu xin của tôi là phải giữ cho nơi chúng tôi ở được ngăn nắp. Báo chí
vương vãi quanh ghế ông ngồi, còn thêm một tô đầy ứ kem đã tan ra nhão
nhoét và một chai bia rỗng nữa chứ. Ngon nhỉ.
Ông nội và tôi đang sống trong một khu nhà xưởng cũ kỹ, nửa khu nhà
là xưởng làm việc của ông, còn nửa kia là khu sinh hoạt. Phần dưới lầu gồm
nhà bếp, phòng làm việc nhỏ và một phòng thênh thang thoáng đãng có trần
cao mười hai mét cùng những thanh xà nhà vĩ đại. Bao quanh căn phòng
thênh thang này là lối đi trên tầng hai, lối đi ấy dẫn đến hai phòng ngủ.
Phòng ngủ của tôi khá rộng và đầy nắng, với khoảng không dư dả để kê
giường, một bàn giấy cùng chiếc ghế đu của tôi, chiếc ghế được đặt đối diện
hai cửa sổ rộng nhìn xuống dòng sông Trout. Tôi còn có thêm một phòng
tắm tuyệt đẹp, cùng một bồn sục và buồng tắm vòi sen riêng biệt. Ông nội ở
cách tôi nguyên một hành lang và thật may sao mà ông cũng có phòng tắm
riêng cho mình. Cháu gái thì cũng chỉ chịu đựng được đến mức độ nào đó
thôi chứ.
Đến đoạn giải lao quảng cáo, ông bấm nút tắt tiếng. “Sao hả? Cô có
được vui vẻ không?”
Tôi ngập ngừng. “Ừm… vâng thì, tiệc sinh nhật được tổ chức tại nhà
tang lễ. Cả bố và mẹ cháu đều ở đó. Cũng tạm ạ.”
“Ta nghe mà đã thấy chán phát tởm lên được,” ông nói.
“Ông quyết định ở nhà là phải đấy,” tôi xác nhận. Ông nội tránh xa các
buổi tụ tập gia đình như thể đấy là mấy ổ dịch ebola vậy. Ông không hẳn là
thân thiết gì với bố tôi, con trai ông. Anh trai của bố, bác Remy, đã qua đời
trong một tai nạn ô tô lúc hai mươi tuổi, và từ những gì ít ỏi mà bố từng kể
thì tôi hiểu được rằng bác Remy là kiểu con trai mà ông nội mong có được:
thô ráp, trầm lặng, khéo tay. Trái lại, bố tôi đã dành cả đời để dỗ ngon dỗ
ngọt người ta vì bố là đại diện bán thuốc tây. Và, dĩ nhiên, lại còn cả vụ ly dị