Dollywood. Nhưng nói cho ta biết nào, cháu thân mến, cháu có thấy thích
bác sĩ McFarland không?” bác sĩ Kumar mỉm cười nhân từ.
“Cháu rất thích anh ấy, bác sĩ Kumar ạ.”
“Phải thế chứ, ta đã hình dung là cháu sẽ thích mà. Ta mừng lắm.” Nói
đoạn, bác sĩ Kumar nháy mắt, ôm tôi lần nữa rồi đi tiếp.
Khi đã đến lúc, Louis yêu cầu mọi người đi ra ngoài để chúng tôi có thể
tiến ra nghĩa trang. “Con có thể ở lại một mình chút xíu được không bố?” tôi
hỏi.
“Được chứ Cún Con,” bố tôi nói. “Cả nhà sẽ đứng ngay ngoài này
thôi.” Louis ý tứ đóng cửa lại sau lưng bố tôi, để lại tôi một mình trong
phòng Thanh thản.
Sự im lặng buông xuống nặng nề. Tôi đi đến quan tài nhìn vào gương
mặt ông mình. “Ông này, cháu nghĩ vậy là xong xuôi hết rồi đấy,” tôi thì
thầm. Dù có thô lỗ cộc cằn đến mấy, ông vẫn luôn là một hòn đá trong dòng
chảy đời tôi, nên thật đau đớn làm sao khi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ
được trò chuyện với ông nữa.
Rồi tôi mở ví và lục lấy ra những món đồ mà tôi muốn ông nội giữ lấy.
Một mảnh phôi gỗ tuyết tùng được bào ra từ mặt sàn xưởng của ông. Một
nhúm lông của Bowie. Một chiếc bánh quy nhân hạt sô cô la.
Và còn một món nữa. Tấm thiệp của tôi, một trong những bức vẽ hằng
tuần tôi từng gửi cho ông sau khi bà mất. Tấm thiệp này là một tác phẩm
nghệ thuật điển hình của trẻ con… một trái tim cùng những bông hoa tulip
và dải cầu vồng vẽ bằng những nét chì màu mỏng manh, run rẩy. Phía cuối
thiệp, được viết ngay ngắn nhất có thể, là dòng chữ Cháu yêu ông nội!
xoxoxoxox Calliope.
Tôi tìm thấy tấm thiệp này ngày hôm qua trong ngăn tủ đựng vớ của
ông nội. Từng tấm một trong cả thảy mười sáu tấm, đều được thắt lại bằng
dải nơ bạc màu. Ông đã cất giữ chúng suốt hai mươi ba năm rưỡi, và xem
chúng mỗi ngày. Chuyện này khiến con tim tôi cảm thấy thật mỏng manh
yếu đuối, như thể chỉ một cú hích nhè nhẹ cũng sẽ làm nó vỡ tan.