Nhật đã gây những tổn thất nặng nề, nhưng mẫu hạm Yorktown vẫn còn
dùng được.
Trong lúc đó thì lực lượng xung kích của Takagi cũng bị phi cơ Mỹ tấn
công. Các phi cơ Mỹ tiến tới tấn công lực lượng của Takagi đúng lúc các
phi cơ Nhật vừa cất cánh đi tấn công hai chiếc Lexington và Yorktown.
Ðúng 10 giờ 50, các phi cơ Mỹ tiến tới các mẫu hạm của Takagi, và tung
hoành tấn công cho mãi tới 12 giờ 20. Mẫu hạm Zuikaku may mắn trốn
thoát được cuộc tấn công bằng cách chạy vào ẩn nấp trong một vùng mưa
rào và phi cơ Mỹ không tìm thấy. Chiếc Shokaku nằm lại, lãnh đủ trận
thịnh nộ của các phi cơ Mỹ. Trong suốt 1 giờ 30 phút tấn công, các phi cơ
Mỹ đã loại chiếc Shokaku ra khỏi vòng chiến. Chiếc Zuikaku còn lại phải
chứa tất cả phi cơ của hai mẫu hạm.
Làn sóng của chiến trận dường như nghiêng thắng lợi về phía Nhật Bản, vì
mặc dầu bị mất mẫu hạm Shoho và mẫu hạm Shokaku bị tổn thất nặng nề,
nhưng mẫu hạm Zuikaku vẫn còn nguyên vẹn trong khi đó cả hai mẫu hạm
của Mỹ được coi như đã bị loại. Những sự kiện này tạo ra một cơ hội tốt
đẹp nhất cho lực lượng xung kích của Takagi, tiếp tục cuộc tấn công và
hoàn tất việc tiêu diệt hải quân Mỹ trong trận đánh. Nhưng vào lúc 5 giờ
chiều ngày 8-5, phó đô đốc Inouye bất thần ra lệnh lực lượng xung kích
phải ngưng cuộc tấn công, và rút lui khỏi vùng chiến trường. Tiếp theo đó
là lệnh đình hoãn kế hoạch tiến chiếm hải cảng Morseby và các toán hải
quân hỗ trợ việc tiến chiếm hải cảng Morseby phải quay trở về căn cứ tại
Rabaul.
Phó đô đốc Inouye phải ra lệnh tạm hoãn cuộc tấn công là vì ông ước tính
rằng mặc dù Nhật đã đè bẹp lực lượng mẫu hạm của Mỹ, nhưng sức mạnh
của Nhật còn lại không đủ để bảo vệ lực lượng đổ bộ vào hải cảng
Morseby.
Khi báo cáo lệnh lui quân của phó đô đốc Inouye về tới bộ tư lệnh hải quân