dịch lớn xử dụng tới 60 chiến hạm. Các chiến hạm này phải lên đường một
tháng trước cuộc tấn công và rất dễ bị khám phá. Các hệ thống tình báo của
Anh, Mỹ và Nga có tầm hoạt động rất rộng rãi. Bộ tham mưu không tin kế
hoạch này có thể bảo mật được.
2. Bộ tham mưu không đồng ý Mỹ sẽ tấn công thẳng vào Nhật ngay, nếu
chiến tranh xảy ra. Bộ tham mưu ước tính Mỹ sẽ lập căn cứ tiền phong tại
quần đảo Marshalls trước, rồi sẽ chiếm dần từng quần đảo tới gần Nhật Bản
hơn. Như vậy cuộc tấn công vào Trân châu cảng không cần thiết đến nỗi
phải thực hiện trong những điều kiện nguy hiểm. Nếu không mở cuộc tấn
công này, Nhật Bản sẽ có thời giờ tập trung tất cả sức mạnh vào một trận
đánh quyết định mà từ lâu hải quân vẫn được huấn luyện sẵn sàng. Ðiều
khôn ngoan nhất là chỉ nên giao chiến tại những vùng biển quen thuộc.
3. Hầu hết các chiến hạm tham dự cuộc tấn công Hawaii đều phải tiếp tế
nhiên liệu giữa đường, nhất là các diệt ngư lôi hạm phải tiếp tế tới hai lần.
Theo thống kê thời tiết thì mỗi tháng chỉ có 7 ngày là có biển lặng sóng êm
tại bắc Thái Bình Dương để có thể tiếp tế nhiên liệu dễ dàng. Nếu việc tiếp
tế nhiên liệu không thực hiện được, chiến dịch tấn công sẽ thất bại và như
thế các chiến hạm trở thành vô dụng mà đáng lẽ được xử dụng hữu hiệu
hơn trong các chiến dịch khác. Sự bế tắc này sẽ đưa tới bế tắc khác. Nếu
việc tiếp tế nhiên liệu giữa biển gặp khó khăn thì phải dùng tới radio, và do
đó sẽ không giấu được bí mật của cuộc hành quân bí mật nữa.
4. Theo tin tình báo của ta thì hàng ngày phi cơ Mỹ bay tuần thám xa Trân
châu cảng tới 600 dặm. Ðiều này có nghĩa là lực lượng Nhật sẽ bị phi cơ
Mỹ khám phá. Vì các mẫu hạm phải tiến tới cách mục tiêu 200 dặm, và do
đó rất dễ trở thành mục tiêu cho các phi cơ Mỹ phản công.
5. Bất cứ một tin tức nào về kế hoạch tấn công này bị tiết lộ cũng sẽ làm
tan vỡ cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Nhật đang diễn ra tại Hoa Thịnh
Ðốn.