Trong hai người nên lấy người nào, hở Tuyết?...
Thường thường mỗi khi có điều gì thắc mắc, có tâm sự nan giải, Diễm
thường mang ra hỏi Uyển. Nhưng lần này, về chuyện Đạt, không hiểu sao,
Diễm lại thấy không dám thổ lộ với chị. Diễm không bao giờ nghi ngờ là
Uyển có thể ghen tức với mình, nhưng nàng cũng mơ hồ cảm thấy là Uyển
không hoan hỉ về cái tin Đạt định cầu hôn Diễm. Không dám thổ lộ tâm sự
với Uyển, Diễm đành nhỏ to với Tuyết. Tuyết đột nhiên được chị tôn lên
hàng cố vấn thì không khỏi hãnh diện, nên nàng trịnh trọng lên giọng bà cụ,
trả lời chị:
- Nếu cần tìm một người chồng để chiều chiều đi “rước đèn” ở Catinat, thì
dĩ nhiên chỉ anh Khải là xứng đáng. Anh Khải đẹp trai, nhà giàu, học
giỏi… chị với anh ấy đi ngoài đường thì nhất định là hách rồi, đáng vì một
đôi uyên ương lắm! Mà ở cái đời này, người con gái nào chả cần oai, cần
bảnh có phải không chị! Chứ ông Đạt thì kể cũng hơi già! Đi với thầy Đạt
ngoài đường mà nhỡ đứa nào nó chào “lạy cụ, lạy cô ạ” thì thật ế người!
Nhưng nếu chị yêu ông Đạt thật tình, thì lại là chuyện khác…
- Chuyện khác là thế nào?
Thấy gương mặt Diễm đăm chiêu, và Diễm có vẻ tin tưởng lời Tuyết nói,
Tuyết lại càng được thể, lên giọng “thầy đời”, cái giọng thầy đời của những
cô bé chưa từng yêu, nhưng thuyết giảng đâu ra đấy về tình yêu. Bắt chước
bà giáo sư văn chương ở trường, mỗi khi muốn dò xét tâm lý ai thì nhìn
chòng chọc vào mắt, Tuyết cũng nhìn thẳng mắt chị, giống hệt giọng bà
giáo:
- Em hỏi điều này, chị đừng giấu em thì em mới có thể giúp chị được. Có
thực hồi chị lên bảy tuổi, chị đã nói với ông Đạt là “nhớn lên, cháu lấy chú
Đạt không”. Chị nói thực đi!
Lời lẽ trịnh trọng của Tuyết làm Diễm phì cười. Nàng sẽ gật, bẽn lẽn bảo
em:
- Ừ, tao nhớ mang máng là hình như có. Nhưng quan hệ gì chuyện con nít
đó!
Tuyết ra vẻ nghiêm trang, gật gù nhìn chị, Tuyết nhớ lại một đoạn văn mà
nàng đã đọc trong tác phẩm của Stendhal hay Blzac nào đó, nàng bèn sửa