Vợ Thúc nhấn mạnh hai tiếng “các cháu”, và ngừng một lát, ý chừng để
cho hai tiếng “các cháu” ngấm vào tâm hồn Đạt, rồi mới tiếp:
- Chúng tôi đều biết anh rất đứng đắn, chưa bao giờ lợi dụng tình thầy trò
để làm điều gì ám muội, nhưng chính vì tin tưởng ở tư cách đứng đắn của
anh, tin tưởng ở tình thầy trò giữa anh và các cháu, mà chúng tôi thấy cần
phải thưa với anh là dự tính của anh không những không tiện, mà còn mang
tiếng cho cả chúng tôi lẫn anh!
Hòa ngừng nói, chờ đợi sự phản ứng của Đạt, nhưng Đạt rắp tâm dùng
chính sách “bất để kháng” mặc cho Hòa muốn nói gì thì nói, vì Đạt hiểu
nếu “đấu lý” thì chắc chắn Đạt sẽ thua, vậy tốt hơn hết là im lìm, ừ hử cho
qua cơn bão táp… Cho nên, trước đợt tấn công đầu tiên của Hòa, Đạt đã
sẵn sàng chịu trận, yên lặng ngồi nghe, bình tỉnh, thản nhiên, khiến Hòa
càng bực tức, giọng nói thêm quyết liệt:
- Không những tôi thấy bất tiện mà còn oán anh lắm! Tôi oán anh là vì tôi
nhân danh cái tình bạn hữu giữa anh và nhà tôi, cái tình thiêng liêng giữa
anh và các cháu. Tôi oán anh vì anh định cầu hôn Diễm, tức là anh coi
thường, coi rẻ, chà đạp tất cả, lên tình bạn, tình thầy trò… Tôi nghĩ rằng, ở
vào hoàn cảnh anh, nếu anh thành thực yêu Diễm, thì anh lại càng không
nên cầu hôn Diễm, có phải thế không anh?
- Dạ.
Tiếng “dạ” cụt thu lủn, kèm theo cái nhếch mép mỉm cười của Đạt, càng
làm cho Hòa khó chịu và bà mỉa mai nói tiếp:
- Kể ra anh cho chúng tôi biết ý định của anh như vậy cũng đã là tốt lắm!
Thời buổi này, thiếu gì những giáo sư đã lợi dụng uy tín, địa vị của mình để
quyến rũ học trò mình… Một ông giáo sư mà muốn chiếm đoạt tình yêu
của học trò mình thì còn gì dễ dàng bằng, còn gì thuận tiện bằng… Nhưng
dù người ta có viện bất cứ lý do gì để bào chữa, tôi vẫn cho rằng làm như
vậy tức là lợi dụng, tức là sang đoạt tình cảm, và một người giáo sư dù có
yêu thực tình, cũng không có quyền lấy học trò của mình. Một giáo sư dù
vô tình hay hữa ý—làm cho học trò của mình say mê mình—tức là có tội
rồi… anh có đồng ý không?
- Dạ.