dành cho piano của Chopin, tự nhiên tôi muốn tiến lại để hỏi mẹ một vài
điều.
“Đừng có làm người khác bị phân tâm như thế! Bản nhạc này cần sự tập
trung cao độ đấy biết không?”
Mẹ đã nói vậy khi thấy tôi có ý định tiến lại gần. Những câu nói kiểu này
đã trở nên quá quen thuộc với cả mẹ và tôi. Tôi nhớ lại một câu chuyện hồi
tôi còn bé. Vào một hôm có nhiều khách khứa đến chơi, mẹ đã mời họ ngồi
thành một hàng rồi sau khi đi thay một cái váy lộng lẫy chuyên dùng để
biểu diễn trên sân khấu. Mẹ ngồi đánh đàn piano cho họ nghe. Hôm ấy mẹ
chơi đúng bản nhạc này rồi tự dưng rưng rưng nước mắt và mấp máy môi
nói một câu gì đó. Khi một trong số những vị khách có mặt tại đó hỏi: “Sao
thế, cô không sao chứ?”, trong khi những người khác còn đang ngơ ngác
không hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ khẽ quay sang nhìn họ mà rằng: “Tôi...
không thể chơi tiếp được nữa, vì... bản nhạc này buồn quá!”. Lúc ấy bố tôi
đã phải nói đỡ: “Nhà tôi là người làm nghệ thuật nên có hơi nhạy cảm hơn
so với những người bình thường. Đến đọc thơ mà bà ấy còn khóc nữa là...”.
Rồi bố gượng cười làm cho tất cả những vị khách cũng phải ngượng nghịu
cười theo. Khi ấy tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, thậm chí tôi biết hình như
bố tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì có một người vợ là nghệ sĩ piano. Mà còn
nữa, nghe bảo trước đây mẹ tôi tốt nghiệp một trường cấp ba có tiếng nhất
cả nước, còn bố tôi thì chỉ tốt nghiệp ở một trường hạng xoàng... “nhất cả
nước”
- nó có ý nghĩa thế nào tôi chưa hiểu hết, nhưng hình như nó có liên
quan đến việc cô Mônica thường hay tránh mặt mẹ.
Tôi đứng im đợi mẹ chơi hết bản nhạc. Tôi nghĩ mình có nên làm bộ rơi
vài giọt nước mắt xúc động để làm tăng thêm hiệu quả cho bầu không khí
lúc này, chả hiểu sao đêm qua mắt tôi lại chảy ra được nhiều nước đến thế.
Tôi đứng ngây người và nghĩ bụng, không ngờ cũng có lúc mình có thể
đứng im nhìn mẹ một cách bình thản như thế này.