hội, đập phá nhà nước hay quốc gia, đập phá báo chí, quân đội, công lý (Về
thần tượng mới, t. 88; Về người tội nhân mặt mét, t. 68; Về chiến tranh và
các chiến sĩ, t. 84; Về đọc và viết, t. 72), đập phá đám đông nhốn nháo và
những thần tượng của đám đông (Về những con ruồi ở công trường, t. 93),
những kẻ có lòng xót thương bác ái (Về tình yêu kẻ láng giềng, t. 109),
Zarathustra thống mạ giới phụ nữ (Về những thiếu nữ và bà già, t. 116), tố
giác tính chất tương đối của các giá trị đạo đức (Về một nghìn lẻ một mục
đích, t. 105). Xuyên qua những sự tấn công, đập phá, thống mạ dữ dội này,
dần dần hiển lộ hình ảnh Siêu nhân, ý nghĩa và chiều hướng phải tiến tới
của mặt đất trần gian. Siêu nhân là kẻ đã tự thành tựu cho chính mình ba
cuộc hóa thân: từ lạc đà thành sư tử, và từ sư tử thành trẻ thơ (Về ba cuộc
hóa thân, t. 48). Siêu nhân tạo thành một bầu không khí mới, trong đó đau
khổ và hân hoan biến đổi ý nghĩa (Về những hoan lạc và đam mê, t. 65),
trong đó thoát sinh những đức hạnh mới: ý chí sáng tạo (Về những con
đường của kẻ sáng tạo, t. 112), sự trinh khiết hồn nhiên bột phát tươi vui
(Về sự trinh khiết, t. 98), tình bạn (Về bằng hữu, t. 101), sự trân trọng tôn
kính đời sống chung đôi (Về con cái và hôn nhân, t. 123), sự cao nhã của
tâm hồn (Về cái cây trên đỉnh núi, t. 75), cái chết (Về cái chết tự nguyện, t.
127), tình yêu những gì xa xôi vời vợi và đức hạnh hiến tặng triền miên (Về
tình yêu kẻ láng giềng, t. 109; Về đức hạnh ban phát, t. 131).
Phần thứ hai quy tụ quanh chủ đề chính yếu là Ý chí cường lực (der Will
zur Macht). Cái chết của Thượng đế ngoài ý nghĩa giải phóng tất cả những
khả tính ẩn giấu của con người, còn mang ý nghĩa quan trọng thứ hai là
hoàn trả thời gian lại cho con người để từ đây thời gian là kích thước đích
thực của con người, một kích thước trước đấy đã bị tước đoạt và gán cho
Thượng đế. Trong kích thước mới này, con người sáng tạo lao tác và chơi
đùa như “một đứa trẻ chơi đùa” (Héraclite), con người sáng tạo in hằn ý chí
của mình lên thời gian, nghĩa là trên dòng biến dịch, vì như Nietzsche đã
viết ở một nơi khác: “in hằn ấn tích của tính thể lên dòng biến dịch - đấy là
ý chí cường lực tối thượng”. Chủ đề Ý chí cường lực cũng được trình bày
qua một vận chuyển nhịp đôi: vừa tấn công tàn phá vừa hiển bày phôi
dựng.