họng mục tử và thằng lùn; hắn phải xưng dương những điều bị cấm đoán
(Về ba điều xấu ác, t. 310). Phần thứ ba được kết thúc bằng hai ca khúc: Vũ
khúc thứ nhì (t. 370) là tiếng hoan ca của niềm vui trên đau khổ. Bảy ấn
tích hay là Khúc ca thuận mệnh (t. 376) là ấn tích của tiếng “Vâng” linh
thánh đóng trên vòng biến dịch của sự quy hồi vĩnh viễn. Bài thơ ở phân
đoạn ba của Vũ khúc thứ nhì, sau này đã được nhạc sĩ Mahler phổ vào trong
“Hòa tấu khúc số 3” và được nhạc sĩ Delius dùng làm phần trang trọng nhất
trong bản “Lễ đời”.
Phần thứ tư của tác phẩm mang một đặc chất riêng biệt, trái nghịch với ba
phần trước cả về văn thể lẫn trong dự định. Phần này được xây dựng lớp
lang như một đoản kịch. Trong khi vui hưởng sự cô đơn phong mật của
mình tại thạch động cùng hai con thú thân yêu, Zarathustra gặp lại viên bốc
sư tiên tri và lão này muốn đem lòng xót thương bác ái, “tội lỗi cuối cùng”,
để quyến dụ thử thách hắn. Tâm trí Zarathustra rối loạn tơi bời, nhưng hắn
đã vượt thắng được cám dỗ cuối cùng đó. Trong lúc ấy, Zarathustra nghe
một tiếng kêu đầy thống khổ điêu linh xui hắn lên đường tìm kiếm Con
người thượng đẳng, kẻ đã phát ra tiếng kêu thống khổ. Hắn lần lượt gặp hai
ông vua dắt một con lừa, một người bị đỉa bám vào tay hút máu, viên pháp
sư, vị giáo hoàng cuối cùng nay đã nghỉ việc vì Thượng đế đã chết, kẻ xấu
xí nhất loài người đã giết chết Thượng đế, một kẻ giàu sang vô hạn đã từ bỏ
của cải của mình để biến thành người ăn xin tự nguyện, và cuối cùng là
chiếc bóng lang thang phiêu bạt của hắn. Trong khi tất cả đều tề tựu đến
hang đá của Zarathustra, hắn nằm ngủ giữa buổi Ngọ Thiên, “trong nỗi lặng
yên tịch mịch cùng niềm bí ẩn của cỏ dại muôn màu”, vui hưởng hạnh phúc
triền miên. Về đến hang khi chiều xuống, Zarathustra nhận ra rằng Con
người thượng đẳng mà hắn lao đao tìm kiếm suốt ngày hôm nay, chính là
tất cả những kẻ hắn đã từng gặp gỡ. Hắn dự Bữa ăn cuối cùng với bọn họ,
thuyết giáo về Con người thượng đẳng, rồi lẻn ra khỏi hang tìm lại bầu
không khí lồng lộng thuần khiết trên cao. Hang đá ồn ào những tiếng cười
nói của những con người thượng đẳng, Zarathustra quay vào hang một lần,
rồi lại lẻn ra khỏi hang vui hưởng cô đơn. Khi nghe hang đá đột nhiên im
bặt tiếng người, Zarathustra quay trở vào thì bắt gặp những con người