thượng đẳng đang tôn vinh và sùng bái con lừa lên ngôi Thượng đế.
Zarathustra phá vỡ lễ trọng dành cho con lừa và dẫn tất cả ra ngoài hang đá.
Đêm đã đến. Nửa Đêm đang đến, và những con người thượng đẳng cười
tươi hoan hỉ trong hạnh phúc huyền diệu vô ngần. Sáng hôm sau, trong khi
tất cả những con người thượng đẳng còn đang mê ngủ, Zarathustra thức
giấc cùng mặt trời, một mình ra khỏi hang và nhìn thấy Dấu hiệu báo tin
cho hắn đã xuất hiện: con sư tử tươi cười hoan hỉ và đàn bồ câu bay quanh.
Giờ cho đạo lý tối thượng của Zarathustra đã đến. Tác phẩm kết thúc với
quang cảnh Zarathustra lại rời hang đá để bắt đầu một cuộc đăng trình mới,
“mạnh mẽ như một mặt trời ban mai”.
Nhằm mục đích giúp bạn đọc nắm vững ý nghĩa những nhân vật biểu tượng
trong phần thứ tư này, chúng tôi xin mô phỏng theo Gilles Deleuze trong
cuốn Nietzsche (P. U. F, 1965, t. 42-43) để dựng lại những khuôn mặt của
Con người thượng đẳng:
1) Vị giáo hoàng cuối cùng: kẻ biết rằng Thượng đế đã chết, nhưng lại tin
rằng Thượng đế chết vì ngạt thở bởi lòng xót thương bác ái dành cho con
người. Không còn chủ nhân nữa, nhưng ông ta vẫn chẳng tự do và chỉ sống
trong hoài niệm.
2) Hai ông vua: biểu trưng cho trào lưu của “đạo đức phong tục” một thứ
đạo đức muốn đào luyện và huấn luyện con người trở thành con người tự
do bằng những phương tiện tàn bạo, bức bách nhất. Vì thế, mới có hai ông
vua, ông vua bên trái tượng trưng cho những phương tiện, ông vua bên phải
tượng trưng cho những cứu cánh. Thế nhưng, trước hay sau cái chết của
Thượng đế, nền đạo đức đó cũng đều suy đồi và chỉ đưa tới sự chiến thắng
của đám tiện dân, nô lệ. Hai ông vua dắt theo Con lừa, về sau được những
người Thượng đẳng tấn phong làm Thượng đế mới.