3) Con lừa (hay Con lạc đà ở phần I): những con thú của miền sa mạc (hư
vô chủ nghĩa). Chúng mang vác, mang vác những gánh nặng đến sa mạc.
Hai khuyết điểm của con lừa: tiếng “Không” khước từ của nó xuất phát từ
tinh thần cừu hận và tiếng “Vâng” chấp nhận của nó (I-A, I-A) là một tiếng
Vâng giả mạo, tiếng Vâng ấy đồng nghĩa với mang vác, đảm đương. Thoạt
tiên, con lừa tượng trưng cho người Ki-tô giáo: nó mang vác những giá trị
gọi là “siêu việt bên trên đời sống”. Sau cái chết của Thượng đế, tự nó
mang vác chính mình, mang vác sức nặng những giá trị của “con người trần
thế”. Vì cho rằng mình đảm nhận “thực tại như nó là thế” cho nên con lừa
được những người Thượng đẳng phong làm Thượng đế mới. Con lừa chỉ là
hình ảnh méo mó buồn cười và phản bội của tiếng “Vâng” linh thánh theo
tinh thần Dionysos. Con lừa khẳng định, nhưng chỉ khẳng định những sản
phẩm của hư vô chủ nghĩa. Hai lỗ tai dài của nó đối nghịch với những lỗ tai
thanh mảnh nhỏ nhắn khúc khuỷu của Dionysos và Ariane.
4) Kẻ xấu xí nhất loài người: là kẻ đã giết chết Thượng đế vì không chịu
đựng nổi lòng xót thương bác ái của Thượng đế. Thế nhưng, sau khi
Thượng đế chết rồi, con người y vẫn là con người cũ; và lại còn xấu xí hơn
nữa: thay vì sống trong ý thức bất ổn rằng Thượng đế đã chết cho mình, giờ
đây y lại sống trong ý thức bất ổn rằng Thượng đế đã chết vì tay mình; thay
vì lòng thương xót đến từ Thượng đế, bây giờ y phải chịu đựng lòng xót
thương càng khó chịu đựng hơn nữa của đám tiện dân. Chính y là kẻ làm
chủ lễ tấn phong con lừa lên ngôi Thượng đế mới, và khiến con lừa thốt ra
tiếng “Vâng” (I-A) giả mạo.