và họ nheo nheo một con mắt”.
Đến đây kết thúc bài thuyết pháp đầu tiên của Zarathustra, bài thuyết pháp
cũng được người đời gọi là “Tự ngôn”
, bởi vì vào lúc ấy, Zarathustra bị
ngắt lời bởi những tiếng kêu thét và nỗi vui mừng nhốn nháo của đám
đông. “Hỡi Zarathustra! Hãy ban cho chúng tôi con người hạ đẳng nhất ấy -
họ kêu lên, - hãy làm cho chúng tôi trở thành giống như những người hạ
đẳng nhất ấy! Chúng tôi sẽ khỏi mang nợ Siêu nhân của Zarathustra!” Và
toàn thể dân chúng vui mừng sung sướng chậc lưỡi nghe rào rào. Song
Zarathustra buồn bã tự nhủ lòng mình:
“Họ chẳng hề hiểu ta: miệng ta không có lời hợp cho những lỗ tai đó.
Hẳn là ta đã sống quá lâu trên núi, ta lắng nghe quá nhiều âm thanh suối
nước róc rách cùng tiếng cây cối rì rào: giờ đây ta lại nói với họ như nói
với những kẻ chăn dê.
Linh hồn ta thanh thản trong sáng như một ngọn núi ban mai. Nhưng họ lại
tưởng ta là người lạnh lẽo và xem ta như một kẻ làm trò hề đang thốt những
lời bông lơn trâng tráo.
Và kìa, họ đang nhìn ta và cười rộ: trong khi cười, họ vẫn còn thù ghét ta.
Có nỗi gì băng giá trong tiếng cười của họ”.
6
Nhưng vào lúc ấy xảy ra một điều làm cho mọi cửa miệng đều câm tiếng
cười và mọi con mắt đều nhìn sững. Vì trong thời gian ấy, người đi dây làm
trò xiếc đã khởi sự biểu diễn: anh ta bước ra từ một con đường ngầm ở bờ
thành rồi bước đi trên sợi dây căng thẳng giữa hai ngọn tháp, bên trên công
trường và đám đông dân chúng. Vào lúc anh ta đang ở ngay giữa đường
dây, cánh cửa lại bật mở ra lần nữa, rồi một gã thanh niên quần áo sặc sỡ
trông giống như một thằng hề, nhảy ra ngoài rượt mau theo anh chàng đi
dây xiếc. Gã cất cái giọng khủng khiếp kêu to: “Tiến lên, đồ khập khễnh,
tiến lên mau, đồ chậm chạp, nham hiểm, đồ mặt tái xanh vì sợ hãi! Mau lên