3. KHÁC BIỆT VỀ VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
Lực lượng lao động hiện nay đa dạng và phong phú nhất trong lịch sử.
Chúng ta đang làm việc trong một thời đại mà mọi người thuộc mọi lứa
tuổi, dân tộc và tôn giáo làm việc cùng nhau vì lý do tốt đẹp: Là một cá thể
trong xã hội, chúng ta ít phán xét và cởi mở hơn với những khác biệt của
người khác. Trên thực tế, chúng ta thấy rằng tính đa dạng trong môi trường
làm việc là một yếu tố kinh doanh thuận lợi.
Xu hướng tích cực này bắt nguồn từ việc mọi người đang mở rộng phạm vi
chấp nhận − chứ không phải cho qua sự khác biệt của nhau hay coi như
chúng không tồn tại. Thay vào đó, với vai trò là một xã hội lao động, chúng
ta đến gần nhau hơn với triết lý: “Mỗi người đều có bản sắc riêng mà không
bị phán xét”. Tuy nhiên, do sự khác biệt vẫn tồn tại, luôn có mối đe dọa
tiềm ẩn khi một người có thể bị xúc phạm bởi cách cư xử của người khác
và biến cảm nhận về sự bất công thành việc khiếu nại vì nguyên nhân phân
biệt đối xử hay quấy rối.
Hãy xem xét ví dụ về phân biệt tôn giáo. Nhiều người sử dụng lao động
cho rằng các cuộc tranh luận cũng như những sự kiện tôn giáo nằm ngoài
phạm vi nơi làm việc. Tuy nhiên, đôi lúc người sử dụng lao động cũng cho
phép một nhóm nhân viên theo đạo Thiên Chúa cầu nguyện mỗi sáng trước
giờ làm việc. Nếu họ cũng cho phép những người theo đạo Do Thái hay
đạo Hồi tổ chức các buổi cầu nguyện tương tự, ít có khả năng xảy ra việc
tranh cãi liên quan đến sự phân biệt về tôn giáo. (Hãy đặc biệt chú ý trường
hợp này, vì nếu cho phép một nhóm tôn giáo tiến hành các sự kiện như vậy,
bạn khó có thể từ chối những nhóm khác khi họ đòi hỏi những quyền lợi
tương tự, được phép tụ tập và nhóm họp tại nơi làm việc.)
Tuy nhiên, nhiều người sử dụng lao động quên rằng tôn giáo được pháp
luật bảo vệ tại nơi làm việc và sự phân biệt đối xử về tín ngưỡng là hành
động vi phạm pháp luật, giống như quấy rối tình dục hay phân biệt sắc tộc.