Tôi không yêu cầu anh phải thay đổi tính cách cởi mở và thân thiện của
mình. Nhưng tôi thấy dường như anh đang tự gây ra rắc rối cho bản thân
trong tương lai, và quan tòa hay bồi thẩm đoàn không chấp nhận lời giải
thích là “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau như thế.” Nói thật, một khi
nhân viên phàn nàn với anh là cô ta cảm thấy không thoải mái, anh phải có
trách nhiệm bởi anh không muốn bị ghi nhận là đã được thông báo về vấn
đề đó nhưng lại từ chối giải quyết.
À, còn một điều này nữa. Hy vọng anh cũng đồng ý với tôi rằng đây không
phải là một vấn đề to tát. Nhưng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để
trả đũa vì Linda đã bày tỏ mối quan ngại bằng lòng thiện chí. Sự trả đũa
hoàn toàn là hành vi phạm pháp và chắc chắn anh không muốn phải gánh
trách nhiệm nặng nề đối với một vấn đề mà theo tôi là có thể dễ dàng giải
quyết. Nếu anh phản đối, hãy tiếp tục trao đổi kỹ càng hơn bởi đây thực sự
là một vấn đề phức tạp trong kinh doanh.
Tình huống 19: Nói tiếng nước ngoài ở nơi làm việc
Bạn có được soạn thảo quy định rằng tất cả nhân viên chỉ được phép nói
tiếng Anh ở nơi làm việc không? Mặc dù không văn bản pháp luật nào
chính thức ủng hộ hay ngăn cấm việc sử dụng tiếng Anh, các bang quy
định việc cấm nhân viên nói tiếng nước ngoài ở nơi làm việc là hành động
vi phạm pháp luật (vì nó có thể dẫn đến việc phân biệt đối xử về nguồn gốc
xuất thân, vi phạm Điều VII, Luật quyền dân sự năm 1964). Do đó, tốt nhất
là không nên đưa ra các quy định nghiêm khắc mà không tham khảo trước
ý kiến của ban cố vấn pháp lý.
Một trong những quy định hợp lý hơn mà các bang áp dụng là cho phép
nhân viên nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ khác trong giờ nghỉ hay giờ
ăn, và vẫn bắt buộc họ phải nói tiếng Anh trong giờ làm việc. Cách giải
quyết này cho phép các nhân viên có thể trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ trong
giờ nghỉ mà vẫn tạo điều kiện cho người quản lý tiếp tục giám sát và duy trì
việc điều hành và kiểm tra an toàn trong giờ làm việc.