nhớ rằng một lời phê bình không phủ nhận mọi thứ bạn nhận được trong
cuộc sống.
Đề nghị người khác đưa ra nhận xét
Nhận được phản hồi từ những người như giám sát viên, nhân viên, khách
hàng và thậm chí cả đồng nghiệp là cách dễ nhất và trực tiếp nhất để biết
mình được nhìn nhận ra sao. Nhưng thời điểm đóng một vai trò quan trọng
trong việc đề nghị người khác đưa ra ý kiến. Ví dụ, nếu bạn vừa giới thiệu
một sản phẩm, một website hay một chiến dịch marketing mới thì bạn cần
để một khoảng thời gian giãn cách trước khi đề nghị người khác phản hồi.
Mọi người cần có thời gian để đưa ra ý kiến trước khi bạn hỏi. Nếu không,
bạn sẽ nhận được nhận xét không đi đến đâu cả vì họ chưa có đủ thông tin
về khả năng của bạn.
Hãy hỏi ý kiến người khác một cách tích cực. Đừng bao giờ nói: “Tôi sợ
bản báo cáo của mình không tốt như mong đợi. Anh có thể cho tôi biết chỗ
nào chưa được không?” Câu nói này của bạn hình thành trong đầu người
nghe ý nghĩ rằng bản báo cáo của bạn rất dở trong khi thực tế không phải
vậy. Thế nên, hãy nói “Tôi đánh giá cao ý kiến của anh về bản báo cáo của
tôi. Tôi rất vui khi được nghe cả ưu và nhược điểm để lần sau làm tốt hơn.”
Câu này có khả năng sẽ khiến người kia nói “Tôi thấy chẳng có điểm nào
chưa được cả. Tôi nghĩ bản báo cáo của anh rất xuất sắc.”
Khi nhận được ý kiến phản hồi, hãy yên lặng và lắng nghe cẩn thận cho đến
khi người đó nói xong. Sau đó, bạn có thể đặt câu hỏi để làm rõ vài điểm
chính. Hãy chú ý tránh đừng tự biện hộ ngay cả khi lời phê bình không có
căn cứ. Nếu bạn kích động, người ta sẽ coi bạn là người không biết chấp
nhận ý kiến của người khác. Hãy nói cảm ơn người đưa ra nhận xét và nếu
bạn có thể áp dụng lời nhận xét ấy thì hãy cho họ biết điều đó.
Lúc nào là thời điểm thích hợp nhất để xin ý kiến nhận xét của người khác?