giám đốc của doanh nghiệp lớn này là một người rất khó tính nên
khi vừa mới bắt đầu Kris đã cảm thấy lo lắng, sợ khách hàng làm
khó mình hoặc thẳng thừng đuổi mình đi. Anh ta càng nghĩ càng
thấy sợ hãi, thậm chí còn có ý định muốn bỏ cuộc. Trên đường đi,
Kris luôn thấp thỏm, nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy ra nên lòng
càng trĩu nặng. Khi gặp vị giám đốc nọ, Kris nhận thấy ông cũng
không quá khó gần như lời mọi người nói. Nhưng ông càng nhiệt
tình, Kris càng lo lắng đến mức không còn nhớ đã nói những gì. Vị
giám đốc nọ thấy biểu hiện của Kris nên đã không bày tỏ thiện chí
hợp tác với anh nữa.
Mất bình tĩnh ảnh hưởng rất lớn đến công việc của người bán
hàng. Khi nhân viên bán hàng luống cuống trước mặt khách, lắp bắp
nói không nên lời, khách sẽ có ấn tượng không tốt về anh ta. Họ sẽ
cho rằng người này không chân thực, thiếu kinh nghiệm, không chín
chắn và xét về lâu dài, nó ảnh hưởng rất tiêu cực đến danh tiếng của
bạn và khả năng khách hàng muốn hợp tác với bạn rất thấp.
Người bán hàng cần chuẩn bị tâm lý không sợ hãi. Các nhà tâm lý
học cho rằng, chướng ngại lớn nhất là tâm lý lo sợ trước khi gặp
khách hàng. Thực tế, bạn chỉ cần có đủ dũng khí, dám trải qua bước
đầu tiên thì những việc tiếp theo sẽ không còn quá khó khăn. Hãy học
hỏi những cách dưới đây để khắc phục tâm lý sợ hãi của mình.
1. Tin tưởng bản thân: Tự tin là nguồn gốc của thành công cho
mọi ngành nghề. Trong nghề bán hàng, tin tưởng bản thân không chỉ
có nghĩa là tin vào năng lực của mình, mà còn là tin vào sự lựa chọn
ngành nghề đúng đắn, tin mình có đủ khả năng mang lại lợi ích cho
mọi người. Chỉ cần khơi lên sự tự tin và niềm tự hào với công việc,
bạn sẽ hạn chế tối đa được sự mất bình tĩnh trước khi gặp người xa
lạ.
2. Đánh giá đối phương đúng mực: Khi gặp gỡ lần đầu, chúng ta
vẫn thường quan tâm đến đánh giá của đối phương về mình. Nhưng
một nhân viên bán hàng nếu luôn để ý đến suy nghĩ của người khác
về mình, trong lòng ắt khó tránh khỏi việc tự gây áp lực cho bản thân,
sinh ra những lo lắng không cần thiết. Vì vậy, ngược lại, bạn nên đánh
giá đối phương, cẩn thận xem xét biểu cảm, phong thái, v.v… để tìm
ra ưu nhược điểm của người đối diện. Cứ như vậy bạn có thể chuyển
từ thế bị động sang thế chủ động, áp lực và sợ hãi cũng theo đó dần
mất đi.
32