Chúng tôi bước nhanh hơn. Tiếng hát du dương vẳng xuống từ khung
cửa mở của thánh đường, không khí nồng mặn ngát mùi cánh kiến trắng.
Cửa chính giữa khung vòm mở rộng, dẫn vào mảnh sân sạch, thơm rải sỏi
đen và trắng. Dọc những bức tường bên phải và bên trái là những dãy chậu
trồng kinh giới ô, hương thảo và húng quế.
Thanh tĩnh xiết bao! Dịu dàng xiết bao! Mặt trời đang lặn và những bức
tường quét vôi trắng chuyển sang màu hồng.
Ngôi giáo đường nhỏ, bên trong ấm áp và hơi tối, nồng mùi sáp. Thiện
nam tín nữ đi đi lại lại trong mù mịt khói hương và năm, sáu nữ tu sĩ mình
bó chặt trong áo dài đen, đang cất giọng ngọt ngào, lanh lảnh hát: “Ôi Chúa
Toàn năng…” Họ luôn luôn quỳ trong khi hát và tiếng áo dài xột xoạt của
họ nghe như chim vỗ cánh bay. Từ nhiều năm qua, tôi không nghe tụng ca
Đức Mẹ Mary Đồng Trinh. Trong thời thanh niên nổi loạn, tôi thường đi
qua mọi nhà thờ, với niềm phẫn nộ và khinh miệt trong lòng. Cùng với thời
gian trôi, tôi bớt dữ dằn đi. Thực tế, thỉnh thoảng tôi còn đi dự những lễ hội
tôn giáo nữa – Giáng sinh, Phục sinh, những tuần chay – và tôi sung sướng
thấy đứa trẻ trong tôi sống lại. Nhiệt tình thần bí trong buổi thiếu thời của
tôi đã thoái hóa thành một khoái cảm thẩm mỹ. Những người man rợ tin
rằng một nhạc cụ, khi không được dùng cho những nghi thức tôn giáo, sẽ
mất sức mạnh thần thánh và bắt đầu phát ra những âm thanh du dương
thánh thót. Cũng như vậy, tôn giáo đã xuống cấp trong tôi: nó đã trở thành
nghệ thuật. Tôi vào một góc, dựa lên thành ghế bóng loáng ở chỗ hát kinh
mà những bàn tay tín đồ đã mài nhẵn như ngà, và ngây ngất lắng nghe
những bản tụng ca Byzance vọng về từ quá khứ xa xăm: “Xin chào những
đỉnh cao tâm trí con người không thể đạt tới! Xin chào những chiều sâu mắt
thiên thần không nhìn thấu! Xin chào tân giai nhân trinh bạch, ôi đóa hồng
không bao giờ phai”. Một lần nữa, các nữ tu sĩ lại quỳ xuống, đầu cúi gục
và áo xột xoạt như cánh chim.