Tôi lăn mình trên cát. Tôi cảm thấy một thôi thúc muốn tiếp xúc với đá,
nước và không khí bằng tấm thân trần của mình. Mẹ Nhất đã làm tôi tức
điên với cái “vĩnh cửu” của bà và tôi cảm thấy cái từ đó chụp xuống tôi như
một sợi dây thòng lọng quăng bắt ngựa hoang. Tôi nhảy bật lên để tránh.
Tôi muốn áp thân thể trần truồng của mình thật chặt vào đất và biển để cảm
thấy chắc chắn rằng những vật phù du thân yêu này là có thật.
“Ngươi hiện hữu và chỉ mình ngươi thôi!” Tôi kêu lên trong tận cùng
bản ngã. “Ôi Trái Đất! Tôi là đứa con sinh sau rốt của người, tôi ngậm vú
người, tôi bú và sẽ không chịu nhả ra. Người không để tôi sống quá một
phút, song cái phút đó đã trở thành cái vú cho tôi bú! Tôi rùng mình như
cảm thấy mình đang có nguy cơ bị ném vào làm mồi cho cái từ ăn thịt
người “vĩnh cửu” kia. Tôi nhớ lại trước kia – bao giờ nhỉ? Mới cách đây
một năm thôi – tôi đã náo nức suy nghĩ về nó, dang tay nhắm mắt muốn lao
mình vào nó.
Hồi tôi học lớp một trường Nhà nước, có một truyện trong sách tập đọc
dùng cho phần hai chương trình vỡ lòng. Truyện rằng:
Có một đứa bé ngã xuống giếng. Dưới đó, nó thấy một thành phố kỳ
diệu với những vườn hoa, một con hồ toàn mật ong nguyên chất, một trái
núi bằng bánh ngọt và đồ chơi đủ màu sắc. Khi tôi đánh vần, dường như
mỗi âm tiết lại đưa tôi đi sâu thêm vào cái thành phố thần tiên đó. Một buổi
trưa, đi học về, tôi chạy vào vườn, bổ tới bờ giếng dưới giàn nho và đứng
mê mẩn nhìn xuống mặt nước tối đen phẳng lì. Thoáng chốc, tôi tưởng như
nhìn thấy thành phố kỳ diệu, nhà cửa và phố xá, trẻ con và giàn nho trĩu
quả. Tôi không cưỡng được nữa. Tôi chúi đầu xuống, vươn tay ra và đạp
chân xuống đất để đẩy mình qua thành giếng. Nhưng vừa lúc ấy, mẹ tôi để
ý thấy tôi. Bà thét lên, lao vút ra và kịp thời túm được thắt lưng tôi kéo
lại…
Vậy là hồi nhỏ, tôi đã suýt ngã xuống giếng. Khi lớn lên, thiếu chút nữa,
tôi ngã vào từ “vĩnh cửu”, cũng như vào một số từ khác nữa – “ái tình”, “hy