Thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của đạo Nho, nhưng Nho giáo chỉ dạy tận
nghĩa, nhà Phật còn giảng thêm về quả báo.
b. Thập Thiện:
Chẳng giết, chẳng trộm, chẳng tà dâm, gọi là ba nghiệp nơi thân. Chẳng
nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói lưỡi đôi chiều, chẳng ác khẩu, gọi là
bốn nghiệp nơi miệng. Chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, gọi là ba nghiệp
nơi ý. Những điều này xét về đại thể, giống như Ngũ Giới, nhưng ngũ giới
đa phần nói về thân, Thập Thiện đa phần nói về Tâm. Ðầy đủ Thập Thiện
quyết định sanh vào thiên giới.
Còn như các điều dạy về luân lý như hiếu với cha, từ với con, kính
anh, nhường em... đều là muốn cho ai nấy đều tận bổn phận không khiếm
khuyết, thuận theo tướng thế gian để tu pháp xuất thế. Nếu nói rộng về
nhân quả báo ứng thì hào ly chẳng sai. Ðọa địa ngục hay sanh thiên chỉ
do tự mình chiêu cảm lấy. Ðức Như Lai tâm bi chí cực, muốn cho chúng
sanh vĩnh viễn lìa khổ, chỉ hưởng các điều vui; vì thế, Ngài chẳng tiếc
hiện tướng lưỡi rộng dài, vì các chúng sanh tận tình tuyên diễn.
Kinh dạy: “Bồ Tát úy nhân, chúng sanh úy quả” (Bồ Tát sợ nhân, chúng
sanh sợ quả). Nếu chẳng muốn nhận quả khổ, phải đoạn trừ nhân ác trước
đã! Nếu luôn tu thiện nhân, ắt quyết định thường hưởng quả vui! Ðây chính
là điều kinh Thư bảo: “Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng
ương”(Làm thiện thì điều tốt lành giáng xuống. Làm điều bất thiện, tai ương
giáng xuống), kinh Dịch nói: “Tích thiện tất hữu dư khánh, tích bất thiện tất
hữu dư ương” (Tích thiện sự vui có thừa, chất chứa điều chẳng lành tai ương
ắt có thừa!)
Nhưng nhà Nho chỉ xét trên đời hiện tại và con cháu mà nói, còn Phật
xét trên cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai để luận. Phàm tình chẳng hiểu
thấu, bèn cho là chuyện mông lung, chẳng chịu tin nhận. Như kẻ mù cãi
lời người dẫn đường, tự đi vào đường hiểm, muốn chẳng rớt hầm, sụp hố
có được hay chăng?