* Ðề xướng nhân quả báo ứng là kính vâng theo tâm của thiên địa và
thánh nhân để thành tựu tánh đức nhân nghĩa, đạo đức của người đời. Nếu
coi nhân quả báo ứng là chuyện mờ mịt, không cách nào khảo sát thì chẳng
những trái nghịch với tâm của thiên địa, thánh nhân, mà thần thức của mình
còn vĩnh viễn đọa trong ác thú.
Nếu bậc trí giả chẳng phấn phát ý chí ưu thời mẫn thế để tu đức mình, kẻ
hạ ngu không kiêng sợ gì, dám làm điều ác thì quyền dưỡng dục của thiên
địa, thánh nhân bị chèn ép chẳng được phô bày, cái lý sẵn có trong tâm tánh
của chúng ta ẩn mất chẳng hiện. Họa hại ấy chẳng thể nói được!
Nhưng lời lẽ của thánh nhân thế gian giản lược, lại chỉ bàn về đời này và
con cháu, còn những việc trước khi sanh ra, sau khi chết đi, từ vô thỉ đến nay
theo nhân duyên tội phước luân hồi lục đạo... đều chưa luận rõ. Vì thế,
những kẻ thấy biết nông cạn tuy hằng ngày đọc những lời dạy về nhân quả
báo ứng của thánh hiền vẫn chẳng tin nhân quả báo ứng.
Ðại giáo của đức Như Lai hiển dương cái huyền diệu nơi tâm tánh của
chúng ta, sự tinh vi của nhân quả ba đời. Tất cả những thuyết “cách trí” (trí
tri cách vật), thành, chánh (chánh danh), “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ”, và pháp “đoạn hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử”, không pháp nào
chẳng giảng đủ. Vì thế, những điều Phật dạy về cha hiền, con hiếu, anh
nhường, em kính, chồng xướng vợ theo, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy
tận hết bổn phận có khác gì những điều thánh nhân thế gian đã dạy đâu!
Thế nhưng, với mỗi một điều, Phật lại khai thị nhân trước quả sau; đấy
chính là điều thánh nhân thế gian chẳng thể làm nổi! Lời dạy “tận nghĩa, dốc
trọn bổn phận” chỉ để dạy hàng thượng trí, chẳng thể chế ngự kẻ hạ ngu.
Nếu biết nhân quả báo ứng thì thiện - ác, họa - phước rành rành như nhìn
vào lửa; ai lại không tìm tốt, tránh xấu, tránh họa đạt phước cơ chứ?
* Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức
tướng của Như Lai. Nhưng vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể
chứng đắc”. Do vậy, biết rằng: trí huệ, đức tướng chúng sanh và Phật đều
đồng, tức là Tánh Ðức. Do có vọng tưởng chấp trước và lìa vọng tưởng
chấp trước nên chúng sanh và Phật khác nhau. Ðấy chính là Tu Ðức.