* Tôi thường nói: “Người trong cõi đời, trong mười phần, chết trực tiếp
bởi sắc dục có đến bốn phần, chết gián tiếp vì sắc dục cũng đến bốn phần”.
Do sắc dục mà hao tổn, phải chịu đựng các thứ cảm xúc khác mà chết. Đối
với những cái chết ấy, không ai là chẳng đổ cho số mạng, biết đâu rằng: Do
tham sắc mà chết đều chẳng phải là số mạng!
Mạng vốn nằm trong tay những ai giữ lòng thanh tịnh, trinh khiết, chẳng
tham dục sự. Tham sắc là tự giết hại mình, bảo là số mạng sao được? Còn
những người do mạng mà sanh, mạng tận bèn chết, bất quá chỉ một hai phần
thôi. Do vậy, biết rằng quá nửa thiên hạ là hạng uổng tử. Cái họa này rất dữ
dội, có một không hai trong đời. Chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ ư?
Nhưng chẳng tốn một đồng, chẳng nhọc tí ti sức lực gì, lại có thể trở
thành bậc đức hạnh chí cao, hưởng an lạc chí đại, con cháu quý hiển, phước
ấm vô cùng, đời sau được quyến thuộc trinh lương, chỉ có mỗi việc giới dâm
mà thôi! Đối với việc hành dâm chánh đáng giữa vợ chồng, ở phần trước tôi
đã thuật qua về lẽ lợi hại, ở đây chẳng nhắc lại nữa. Còn đối với việc tà dâm,
vô liêm, vô sỉ, cực uế, cực ác, chính là dùng cái thân người để làm chuyện
súc sanh.
Vì thế, nếu gái đẹp đến cợt nhả, đàn bà yêu kiều đến xin chung chạ, quân
tử coi đó là mối họa ương không gì lớn bằng, bèn cự tuyệt, thì phước chiếu
rạng ngời, hoàng thiên ban ân. Kẻ tiểu nhân coi đó là hạnh phúc không chi
lớn bằng bèn thâu nạp, ắt đến nỗi bị tai tinh xung chiếu, quỷ thần tru lục.
Quân tử do họa được phước, tiểu nhân do họa càng thêm họa. Vì thế, mới
nói: “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu” (họa phước không cửa, do
người tự chuốc lấy). Nếu đối với cái ải nữ sắc, người đời chẳng thể triệt để
thấu hiểu thì [những sự như] đức hạnh chí cao, an lạc chí đại, con cháu quý
hiển, phước ấm vô cùng, đời sau quyến thuộc trinh thục sẽ bị mất hết trong
giây phút hoan lạc mà thôi! Xót thay!
* Hai chữ Nhân Quả gồm trọn hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian
không sót chút gì. Những thánh nhân thế gian không ai chẳng dạy nhân quả,
nhưng do chuyên chú nơi đạo xử thế, muốn cho nó được kế tục, được lưu
truyền, nên chỉ hạn cuộc trong đời này và thế hệ trước, thế hệ sau, chẳng nói
những chuyện trước lúc sanh ra, sau khi chết đi và những điều kể từ vô thỉ
trước đến tận đời vị lai sau.
Kẻ hậu học chẳng thể hiểu rõ ý của thánh hiền bèn cho rằng người, vật
có sự sống là do khí thiên địa ngẫu nhiên thấm vào hình hài mà thôi. Còn
đến lúc chết, hình hài mục nát, hồn cũng phiêu tán, không nhân, không quả,
trở thành Đoạn Diệt Kiến. Đã cô phụ thánh giáo, còn mê muội tánh linh của
mình đến cùng cực vậy! Khổng Tử khen ngợi sách Chu Dịch, ngay câu đầu