thiện hay ác ta phải nhận đều như tiếng vọng đi theo âm thanh, như bóng
theo hình, trọn chẳng sai khác!
* Nay thế đạo nhân tâm suy sụp, khuyết hãm đã đến cực điểm. Nếu
chẳng dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi và “hết thảy chúng sanh
đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật” để dạy dỗ, quyết khó lòng đạt được
hiệu quả! Do một niệm tâm tánh của chúng ta bất biến tùy duyên, tùy duyên
bất biến, hễ gặp tịnh duyên bèn chứng Tam Thừa và Phật pháp giới; gặp
duyên mê nhiễm sẽ thành nhân thiên và tứ ác thú pháp giới. Dù mười pháp
giới thăng trầm, khổ vui khác xa nhau như trời với đất, nhưng tâm tánh vốn
sẵn có ấy tại phàm chẳng giảm, tại tánh chẳng tăng.
Nếu hiểu kỹ nghĩa này, dù có táng thân mất mạng, quyết chẳng chịu bỏ
đi tịnh duyên đã ngộ để theo đuổi nhiễm duyên đến nỗi luân hồi mãi mãi,
chẳng thể thoát nổi! Vì thế, biết rằng các pháp: nhân quả, báo ứng, sanh tử,
luân hồi v.v... chính là đại đạo trị cả gốc lẫn ngọn, là nguyên do của cả phàm
lẫn thánh, là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian, xuất thế gian bình
trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Trong lúc này, nếu bỏ đi pháp này, dù
Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Châu, Khổng cùng ra đời, cũng chẳng
làm gì được!
* Ba cõi chẳng yên hệt như nhà lửa, các khổ đầy dẫy thật đáng kinh sợ!
Chúng sanh ngu si dù chịu khổ lớn chẳng cầu xuất ly. Dù sẵn có Phật tánh,
nhưng vì mê muội, trái nghịch, lại khởi Hoặc tạo nghiệp đến nỗi trải kiếp số
như trần sa không cách nào giải thoát. Chẳng đáng buồn ư? Huống nay thế
đạo, lòng người nguy hãm, chìm đắm đến cùng cực, sát kiếp thê thảm từ xưa
chưa từng nghe.
Lại thêm trào lưu tân học bác không nhân quả, chê những lời nghị luận
đạo đức của thánh hiền là hủ bại, vu vơ, mặc tình đề xướng những ý kiến
mình ức đoán. Kẻ quáng dẫn lũ mù, lôi nhau vào lửa, đến nỗi thiên tai, nhân
họa liên tục giáng xuống. Lũ dân ngây ngô thật đáng thương xót. Bởi thế,
những người có tâm lo cho đời bèn mạnh mẽ phát đại chí muốn cứu giúp
dân. Những nghiệp quả ấy đều do chỉ biết tự tư, tự lợi, chẳng biết nhân quả
ba đời, thiện ác báo ứng, tưởng là người chết đi, thần thức liền diệt, chẳng có
linh hồn tùy theo nhân duyên tội phước thọ sanh trong trời người hay đọa
vào tam đồ, ác đạo!
Nếu thiện hay ác cũng đều bị diệt mất như nhau, lẽ nào chẳng tùy ý làm
bất cứ chuyện gì cốt sao thân tâm khoái lạc ư? Do vậy, đối với những việc
nghịch thiên trái lý, tổn người lợi mình, cùng với giết hại sanh mạng cốt sao
thỏa thích miệng bụng, bèn đua nhau tưng bừng làm, chẳng e dè chi!