khiến cho thiên địa quỷ thần thảy đều thương xót tấm lòng thành thương loài
vật của ta sẽ khiến cho những điều mình mong mỏi được thành tựu.
Nếu cậy mình có tiền tài, mình có trí lực, bày ra đủ cách bắt lấy các con
vật hòng thỏa mãn bụng miệng mình, chẳng kể đến nỗi thống khổ của
chúng, há còn đáng gọi là con người đứng cùng với trời đất thành tam tài
chăng? Nhưng ta với chúng cùng trong sanh tử từ vô thỉ đến nay, cố nhiên
chúng đều là cha, mẹ, anh, em, thê thiếp, con cái của mình, mình cũng là cha
mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của chúng. Mỗi con vật ấy trong khi làm
người hoặc lúc trong dị loại, từng bị ta giết; ta cũng trong lúc làm người,
hoặc trong lúc làm dị loại, từng bị chúng giết. Làm kẻ oán, người thân, sanh
ra nhau, giết hại nhau.
Lặng im suy nghĩ, thẹn chẳng muốn sống nữa! Hãy gấp rút sửa đổi, hối
hận, vẫn còn là chậm, huống hồ cứ quen thói cũ, vẫn chấp mê tình, cho rằng
trời sanh ra dị loại vốn là để làm thức ăn cho con người ư? Ta vẫn còn đầy
đủ Hoặc nghiệp nên không cách nào thoát ra ngoài luân hồi được. Vạn nhất,
chúng nó tội đã diệt, lại sanh làm người, thiện căn phát sanh, nghe pháp tu
hành, đoạn Hoặc chứng Chân, đạt thành Phật đạo. Nếu ta đọa lạc, còn mong
chúng sẽ rủ lòng từ cứu viện ngõ hầu lìa khổ được vui, chứng được Phật
tánh. Há nên cậy vào sức mạnh một thời để đạt [cái khổ] bao kiếp dài lâu
không được cứu vớt chăng?
* Phải biết: Người cùng loài vật cùng mang cái thân huyết nhục này,
cùng có tánh linh tri, cùng sanh trong vòng trời đất. Chỉ do đây kia tội phước
bất đồng, đến nỗi đời này hình chất thông linh hay ngu xuẩn sai khác. Cậy ta
mạnh hiếp loài yếu, dùng thịt chúng nó no đẫy bụng mình, khoái lòng thích
chí, cho đó là phước báo. Chẳng biết rằng một khi phước lực đã tận, nghiệp
báo hiện tiền, lúc bị người giết chóc, thân chẳng kháng cự lại được, miệng
chẳng nói nổi, trong lòng buồn sợ, đau đớn, khổ sở, mới biết chuyện ăn thịt
là một tội vạ lớn vậy.
Người ăn thịt đúng là La Sát, dù chẳng giết người để ăn thịt cũng không
được. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Do người ăn dê, dê chết thành người,
người chết thành dê. Như thế cho đến mười loại sanh vật. Chết chết, sống
sống, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp cùng sanh đến cùng tột đời vị lai”.
Lại còn nhiều kiếp đến nay sanh ra lẫn nhau. Đã không có đạo lực để
cứu tế, nỡ nào để chúng nó bị dao xả cực khổ, hòng miệng lưỡi mình hưởng
vị ngon chăng? Trong kinh Nhập Lăng Già, đức Thế Tôn bao lần quở trách
chuyện ăn thịt. Có đoạn chép: “Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay ở
trong sanh tử luân hồi chẳng ngơi. Không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh
em, quyến thuộc nam nữ cho đến bằng hữu thân ái, kẻ hầu. Qua đời khác,
phải thọ các thân chim, thú... sao lại dùng chúng nó để ăn?” Phàm những ai