* Người đời nay hay coi xuất gia như một phương cách sống trốn tránh,
lười nhác, an nhàn. Tệ nhất là kẻ không còn sanh lộ nào khác, lấy xuất gia
làm kế sống trộm qua ngày. Bởi thế người xuất gia hiện tại đa phần là hạng
vô lại, đạo pháp bị quét sạch sành sanh đều là vì hạng xuất gia bại hoại như
thế gây nên nỗi cả!
* Tăng nhân đời nay khó thể khiến người khác tin tưởng nổi. Nay đã
truy điệu tăng nhân, lẽ nào lại phỉ báng tăng nhân. Nếu nêu lên những điều
tốt lành của họ để răn nhắc những kẻ bất thiện thì chẳng mắc lỗi gì. Nhưng
nếu mình đã thuộc vào hàng học trò thì việc răn nhắc cũng nên châm chước;
việc răn nhắc ấy chỉ hàng đức cao trọng vọng mới thực hiện được, chẳng
phải là việc nên làm của loài chim non miệng vàng vậy!
* Hàng xuất gia nếu chẳng phải chân tu, tập khí đầu đường xó chợ còn tệ
hơn kẻ tục. Nếu muốn xa lìa tập khí ấy thì trước hết phải hiểu rõ hết thảy các
pháp thế gian đều là khổ, là không, là vô thường, là vô ngã, là bất tịnh, thì ba
độc tham - sân - si không cách nào khởi lên được. Nếu vẫn chưa chế ngự
chúng được, hãy dùng trung - thứ - nhẫn nhục để đối trị ắt chúng sẽ tự dứt.
Nếu vẫn chưa dứt thì phải tưởng mình như đã chết, tự nhiên vô biên phiền
não sẽ hóa thành thanh lương.
* Chỉ hạng Thích Tử chúng ta mới lấy việc thành đạo lợi sanh làm cách
báo ân tối thượng, chẳng những báo đền cha mẹ nhiều đời, mà còn báo đáp
hết thảy cha mẹ trong tứ sanh lục đạo từ vô lượng kiếp. Chẳng những chỉ
hiếu kính khi cha mẹ còn sống mà còn phải độ thoát linh thức của cha mẹ
khiến họ được vĩnh viễn thoát khỏi khổ luân, thường trụ Chánh Giác. Bởi
thế mới nói: đạo hiếu của nhà Phật ẩn mật khó sáng tỏ ra vậy.
Tuy nhiên, đạo hiếu của Nho gia lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu.
Như đạo Thích từ biệt cha mẹ đi xuất gia, có phải là chẳng đoái hoài đến
việc phụng dưỡng cha mẹ chăng? Phật chế định: Xuất gia phải thưa cùng
cha mẹ. Nếu có anh em, con cháu để gởi gắm cha mẹ mới được bẩm thỉnh
với cha mẹ. Cha mẹ có đồng ý mới được xuất gia. Nếu không, chẳng chấp
thuận cho kẻ ấy được xuống tóc.
Sau khi xuất gia xong, nếu như anh em gặp biến cố, cha mẹ không
chỗ nương nhờ, người xuất gia cũng được phép chia sớt y bát để phụng
dưỡng song thân. Vì thế, mới có gương thơm hiếu dưỡng với mẹ của ngài