sáng tỏ cái đức sáng ngời). Giác có Bổn Giác và Thỉ Giác. Do Bổn Giác mà
Thỉ Giác phát khởi, dùng Thỉ Giác để chứng Bổn Giác. Thỉ và Bổn hợp nhất
tức là thành Phật. Bổn Giác tức là Thành, Thỉ Giác là Minh. Nếu thuyết pháp
như thế thì Nho và Phật trọn chẳng khác gì nhau.
Các hạ bảo mình “học Phật, học Khổng, thấy Lý chẳng ngoài một
chương sách Đại Học là điều quyết định chẳng còn ngờ vực gì nữa”; đấy
chỉ là bàn luận một cách nông cạn. Nếu luận về mặt thứ lớp sâu cạn của
công phu tu chứng thì đại để tương đồng, nhưng sở chứng, sở đạt bất
đồng rất lớn. Nho chỉ có thể “minh minh đức”, há có thể đoạn trọn Tam
Hoặc, đầy đủ cả phước lẫn huệ như Phật chăng? Há có thể như Bồ Tát
chứng Pháp Thân, phá một phần vô minh, thấy một phần Phật Tánh hay
chăng? Há có thể như Thanh Văn, Duyên Giác đoạn sạch Kiến Hoặc lẫn
Tư Hoặc hay chăng?
Điều thứ ba, dù Thanh Văn chỉ đoạn được Kiến Tư Hoặc là hạng thấp
kém nhất, nhưng các ngài đã đắc lục thông tự tại. Bởi thế, ngài Tử Bách
nói: “Nếu buông vọng tình xuống được thì dù là vách núi vẫn có thể đi
xuyên qua được”. Sơ Quả còn phải bảy lượt sanh lên trời, bảy lần sanh
xuống nhân gian, nhưng đạo lực của các ngài đã đạt tới mức tùy ý chẳng
phạm sát giới. Vì thế, các ngài đi đến đâu, loài trùng giạt ra cả. Do đó, mới
nói: “Sơ Quả cày đất, trùng tránh xa bốn tấc”, huống hồ là Nhị, Tam, Tứ
Quả ư!
Hãy khoan nói tới những người học theo Nho Giáo cái đã, hãy bàn về
thánh nhân thôi. Cố nhiên, đa phần thánh nhân là bậc đại quyền thị hiện.
Không nói tới bổn địa của các ngài, nếu chỉ căn cứ trên mặt Tích, e rằng
các ngài còn chưa thể đoạn sạch được Kiến Hoặc, Tư Hoặc như thế được,
huống hồ là sánh với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi địa vị phá