Lại vì chúng sanh đời Mạt căn cơ hèn kém, thật chẳng ai có thể đoạn
Hoặc chứng chân. Vì thế, Phật đặc biệt mở ra một môn Tịnh Ðộ hòng
thượng, trung, hạ căn, dù phàm hay thánh cùng lìa khỏi Sa Bà, sanh về Cực
Lạc ngay trong đời này, chứng dần dần vô lượng quang - thọ. Lòng thâm từ
đại bi ấy thật là chí cực không còn gì hơn được nữa!
* Phật pháp rộng sâu như biển cả. Kẻ phàm phu sát đất nào lại có thể một
hơi hút sạch tận nguồn, cạn đáy được? Tuy nhiên, nếu có thể sanh tâm chánh
tín sẽ tự có thể tùy theo sức mình được hưởng lợi ích. Ví như Tu La, hương
tượng và các loài muỗi mòng uống nước biển cả; loài nào, loài nấy uống no
mới thôi. Ðức Như Lai xuất thế tùy thuận chúng sanh thuyết pháp khiến mỗi
loài được lợi ích cũng giống như thế. Chúng sanh đời mạt nghiệp chướng
sâu dày, thiện căn cạn mỏng, tâm trí hẹp kém, thọ mạng ngắn ngủi. Ðã thế,
tri thức ít ỏi, ma tà, ngoại đạo tung hoành. Tu các pháp môn khác muốn ngay
trong hiện đời đoạn Hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử thật là một việc hy
hữu cực khó.
Chỉ mỗi mình pháp Tịnh Ðộ chuyên cậy vào Phật lực. Thế nên chẳng cần
biết đến Ðoạn, Chứng, chỉ trọng Tín - Nguyện. Nếu có đủ tín - nguyện, dẫu
là hạng tội ác cực đại sắp đọa A Tỳ địa ngục vẫn có thể nương vào sức thập
niệm, mau chóng được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh. Ôi! Như Lai đại từ phổ
độ chẳng bỏ sót một ai. Chỉ mình pháp này thật là tóm thâu trọn khắp.
* Pháp môn Niệm Phật nguyên lai ra sao? Do một niệm tâm tánh của
chúng ta giống như hư không thường hằng, bất biến. Tuy thường chẳng biến,
nhưng lại niệm niệm tùy duyên. Nếu chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên
theo cửu giới. Chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo. Chẳng
duyên theo nhân thiên, ắt sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên theo nhiễm - tịnh
sai khác thành ra quả báo sướng - khổ khác xa.
Dù bản thể trọn chẳng biến đổi, nhưng Tướng và Dụng dĩ nhiên khác biệt
một trời, một vực! Ví như hư không, mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn thì tối.
Tuy bản thể của hư không chẳng vì mặt trời hay mây mà tăng, giảm, nhưng
tướng trạng hiện rõ hay ngăn che cố nhiên chẳng thể nói là cá mè một lứa.
Do nghĩa này, Như Lai dạy mọi chúng sanh duyên niệm nơi Phật.
Vì thế mới nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại,
tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”.
Lại nói: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của
hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy chính
là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ. Tâm này làm Phật, tâm này là
Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”.