Hoặc mà lập, chứ chẳng thể ước theo Phật mà luận. Nếu ước theo Phật
mà nói thì chẳng những toàn thể bốn cõi Tịnh Độ đều là Tịch Quang, mà
ngay cả đời ác ngũ trược, tam đồ ác đạo, không sự gì Phật chẳng thấy là
Tịch Quang. Vì thế nói: “Tỳ Lô Giá Na ở khắp mọi nơi. Chỗ đức Phật ở
gọi là Thường Tịch Quang”.
“Khắp mọi nơi là Thường Tịch Quang” thì chỉ bậc đã chứng ngộ viên
mãn Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na quang minh chiếu khắp mới thọ dụng
được thôi, còn mọi người khác đều mới chỉ chứng được vài phần. Từ
Thập Tín trở xuống cho đến phàm phu, về Lý thì có Thường Tịch Quang
Tịnh Độ, nhưng về Sự thì chẳng có. Nếu muốn hiểu rõ hãy nghiên cứu
phần luận về bốn cõi Tịnh Độ trong sách Di Đà Yếu Giải; sách Phạm
Võng Huyền Nghĩa cũng giảng đầy nghĩa này (Tỳ Lô Giá Na, Hán dịch
là Quang Minh Biến Chiếu, hoặc Biến Nhất Thiết Xứ, chính là cực quả
rốt ráo của chư Phật, là hiệu chung của những vị đã chứng viên mãn pháp
thân thanh tịnh. Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na cũng thế. Như Thích Ca,
Di Đà, Dược Sư, A Súc Bệ v.v... chỉ là những danh hiệu riêng của các
hóa thân Phật mà thôi. Chữ Lô Xá Na, Hán dịch là Tịnh Mãn, do hết sạch
Hoặc nghiệp, viên mãn trọn vẹn phước huệ nên ước theo quả báo do Trí
Đức và Đoạn Đức cảm thành mà gọi như vậy).