ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC - Trang 25

Chỉ mỗi mình pháp Tịnh Ðộ mới nhìn thì là phương tiện để phàm phu

nhập đạo, nhưng thực ra nó là chỗ quy túc rốt ráo của các tông. Bởi thế, kẻ
sắp đọa A Tỳ được dự vào phẩm chót, bậc đã chứng ngộ ngang với chư Phật
vẫn cầu vãng sanh. Lúc đức Như Lai còn tại thế, ngàn căn cơ cùng được
nuôi dưỡng, vạn mạch đều quy hướng. Phật diệt độ rồi, bậc đại sĩ hoằng
pháp ai nấy chỉ hoằng dương một pháp để mong thâm nhập được một môn.

Chư pháp dung thông, ví như ngàn hạt châu nơi cái lưới của Ðế Thích,

mỗi hạt châu chẳng lẫn vào nhau, nhưng ánh sáng mỗi châu lại chiếu vào
hàng ngàn hạt châu khác, ánh sáng của ngàn hạt châu chiếu vào một hạt
châu. Soi rọi lẫn nhau nhưng chẳng tạp, riêng biệt nhưng chẳng thể phân
khai. Kẻ câu nệ vào Tích thì bảo: “Hết thảy pháp, mỗi pháp đều sai khác”.
Kẻ khéo hiểu sẽ nói: “Hết thảy pháp, các pháp viên thông”. Như bốn cửa
thành, gần cửa nào theo cửa đó mà vào. Cửa tuy khác nhau, nhưng vào thành
chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do
chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để “quy chân đạt bổn” (thấu hiểu một
cách chân thật, thông đạt tận nguồn cội), minh tâm kiến tánh, mà hết thảy
Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Ðại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy
chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mà mỗi một pháp cũng chính là chân, là
bổn, là tâm, là tánh!

Bởi vậy, kinh Lăng Nghiêm coi Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập

Bát Giới, Thất Ðại đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh. Vì thế bảo
rằng: Hết thảy pháp không một pháp nào chẳng phải là Phật pháp, cũng như
không một ai chẳng phải là Phật. Tiếc thay chúng sanh châu đeo trong vạt áo
trọn chẳng biết hay, ôm của báu đi ăn xin, chịu khốn cùng oan uổng. Dùng
tâm Như Lai tạo nghiệp chúng sanh, dùng pháp giải thoát chịu khổ luân hồi,
đáng thương lắm thay! Vì thế, bậc đại sĩ hoằng pháp chẳng nề gian nan, cay
đắng, dùng đủ mọi phương tiện để khai ngộ, dẫn dắt khiến chúng sanh hiểu
đúng sự lý, nhân quả của mười pháp giới, triệt ngộ tự tánh của tâm, ngõ hầu
viên chứng rốt ráo.

Từ Ðường, sang Tống, sang Nguyên, sang Minh, đến Thanh, cả một

ngàn năm, thanh giáo chẳng khuất lấp. Dẫu chẳng hưng thịnh bằng thời
Ðường, nhưng cũng có thể nói là suýt soát. Từ đời Hàm Phong, Ðồng Trị trở
đi, binh hỏa liên miên, đói kém liên tiếp, cao nhân ngày một hiếm hoi, kẻ
dung tục ngày càng nhiều, quốc gia chẳng bận tâm đề xướng, tăng lữ không
sức chấn hưng. Do đó, hàng cao nhân tại gia vì chưa từng nghiên cứu Phật
pháp, chuộng lầm khuôn sáo cũ của Âu - Hàn (Âu Dương Tu, Hàn Dũ), đến
nỗi đạo pháp suy sụp sát đất. Mãi đến cuối đời Thanh, học vấn phát triển,
những người thiên tư cao tìm đọc kinh Phật mới hay gốc đạo chính là đây,
mới bèn quyết chí nghiên cứu.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.