* Phật Di Ðà vì chúng ta phát nguyện, lập hạnh để mong chúng ta thành
Phật. Chúng ta bội nghịch hạnh nguyện của đức Di Ðà nên bao kiếp dài lâu
ngụp lặn mãi trong lục đạo, vĩnh viễn làm chúng sanh. Hiểu rõ Di Ðà chính
là đức Phật ở ngay trong tâm chúng ta, ta chính là chúng sanh trong tâm Phật
Di Ðà. Tâm đã là một, nhưng phàm và thánh cách nhau một trời một vực là
do ta cứ một bề mê muội, trái nghịch nên mới đến nỗi thế. Tín tâm như vậy
mới đáng là Chân Tín. Dùng tín tâm này phát nguyện quyết định vãng sanh,
hành hạnh quyết định niệm Phật mới hòng thâm nhập Tịnh tông pháp giới,
thành tựu ngay trong một đời, một phen siêu thăng liền vào thẳng ngay địa
vị Như Lai như mẹ con gặp gỡ, vui sướng vĩnh viễn thường hằng vậy!
* Trong sự niệm Phật, điều trọng yếu nhất là để liễu sanh thoát tử. Ðã vì
liễu sanh tử thì với nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm chán nhàm; với sự vui Tây
phương, tự sanh tâm ưa thích. Như thế thì hai pháp Tín - Nguyện sẽ được
đầy đủ, trọn vẹn ngay trong khoảnh khắc ấy. Rồi lại thêm chí thành, khẩn
thiết như con nhớ mẹ mà niệm thì Phật lực, tự lực, tự tâm tín nguyện công
đức lực, cả ba pháp cùng hiển hiện trọn vẹn, khác nào mặt trời rực rỡ trên
không. Dù cho mây đùn, băng đóng tầng tầng, không lâu cũng sẽ tan hết cả.
* Hãy thử hỏi: Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Chẳng khẩn
thiết thì có đạt được như thế chăng? Không Tín - Nguyện có đạt được như
thế chăng?
* Phàm là bọn hữu tình chúng ta hễ nghe nói đến pháp môn Tịnh Ðộ thì
phải tin Sa Bà cực khổ, Tây Phương cực vui, phải tin rằng từ nhiều đời đến
nay, nghiệp chướng sâu nặng, chẳng cậy vào Phật lực, khó thể xuất ly. Phải
nên tin rằng cầu được vãng sanh thì ngay trong đời này sẽ được vãng sanh.
Phải tin niệm Phật nhất định được Ngài từ bi nhiếp thọ. Dùng một lòng kiên
định này, nguyện lìa Sa Bà như kẻ tù muốn thoát khỏi lao ngục, trọn chẳng
có tâm lưu luyến. Nguyện sanh Tây Phương như lữ khách mong quay về cố
hương, chẳng hề có ý niệm do dự. Từ đó, tùy phận, tùy lực, chí tâm trì niệm
thánh hiệu A Di Ðà Phật, chẳng luận là nói năng, im lặng, động, tịnh, đi,
đứng, nằm, ngồi, đón tiếp khách khứa, mặc áo, ăn cơm, giữ sao Phật hiệu
chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa Phật.
* Kinh A Di Ðà nói: “Từ đây đi qua Tây Phương khỏi mười vạn ức cõi
có thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu A Di Ðà, nay hiện đang
thuyết pháp”. Kinh còn dạy: “Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh cõi
ấy không có các điều khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên gọi là Cực