ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC - Trang 41

* Phải biết rằng pháp môn Tịnh Ðộ chính là để nhiếp phục người thượng
thượng căn. Vì thế, Thiện Tài đã chứng Ðẳng Giác, Phổ Hiền Bồ Tát vẫn
dạy dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh ngõ hầu viên mãn
Phật Quả; nhân đó, khuyên khắp Hoa Tạng hải chúng. Do vậy, ta biết rằng
một pháp hồi hướng vãng sanh Tịnh Ðộ chính là pháp tối hậu để viên mãn
Phật Quả.

Ðời có kẻ cuồng chẳng hiểu kỹ giáo lý, thấy ngu phu, ngu phụ đều tu

được pháp này bèn khinh rẻ, cho là pháp Tiểu Thừa, chẳng biết rằng đây
chính là pháp môn đệ nhất một đời thành Phật, thành thỉ, thành chung của
Hoa Nghiêm.

Cũng có kẻ ngu tri kiến hẹp kém, nghĩ mình công phu cạn mỏng, nghiệp

lực sâu dày, làm sao sanh ngay được; chẳng biết rằng tâm tánh chúng sanh
và tâm tánh của Phật chẳng hai. Ngũ nghịch, thập ác sắp đọa địa ngục, gặp
thiện tri thức dạy cho niệm Phật đủ cả mười tiếng hoặc chỉ mấy tiếng rồi liền
chết đi, còn được vãng sanh. Lời Quán kinh dạy cớ sao chẳng tin?

Bọn họ còn vãng sanh, huống hồ chúng ta dù còn tội nghiệp, dù ít công

phu, sánh với kẻ thập ác ngũ nghịch kia [chỉ niệm] mười tiếng hay là mấy
tiếng, còn vượt trội hơn rất nhiều, lẽ nào tự vội vàng bỏ qua đến nỗi đánh
mất lợi ích vô thượng này?

Như Lai gọi pháp môn Tịnh Ðộ này là pháp khó tin là vì hạ thủ dễ lại

thành công cao, dùng công ít được hiệu quả nhanh. Chí viên, chí đốn, thẳng
tắt, rộng lớn, giản dị, vượt trội hết thảy giáo lý thông thường. Chẳng phải
xưa vốn đã có thiện căn, quyết sẽ khó tin nhận, phụng hành. Tôi thường nói:
“Cửu giới chúng sanh lìa khỏi pháp môn này thì trên chẳng thể viên thành
Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới chẳng thể lợi
khắp quần manh” là chuyện thực vậy.

* Pháp môn Tịnh Ðộ độ khắp ba căn, chính là để tiếp độ căn khí thượng
thượng, kiêm tiếp dẫn hạng trung hạ căn. Kẻ ngu thường hay chê là pháp
thiển cận, Tiểu Thừa; nói chung là vì chẳng xem kinh luận Ðại Thừa, chưa
phải là người thông suốt có đủ con mắt. Chỉ dùng cái tâm điên đảo, chấp
trước của mình để suy lường đạo nguyên thủy trọng yếu, chung cục của Như
Lai. Như kẻ mù ngó mặt trời, như người điếc nghe sấm, đương nhiên chẳng
thấy, chẳng nghe, chỉ đành suy luận vọng tưởng!

Phải biết một pháp tín nguyện niệm Phật là do Như Lai vì bi tâm triệt để

phổ độ chúng sanh mà tuyên thuyết. Chỉ có các vị Bồ Tát như Quán Âm,
Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền mới có thể rốt ráo đảm đương. Bọn họ thấy ngu
phu, ngu phụ đều niệm Phật được bèn coi là pháp Tiểu Thừa thiển cận, khác
nào ngôi sao bé chỉ chiếm lãnh được khoảng trời nhỏ, con trùng bé chỉ bò
được khoảng đất hẹp!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.