biết đấy đều là do túc nghiệp chuốc lấy nên hiện tại cảm thọ, bảo lầm là
không có nhân quả báo ứng và hết thảy chúng sanh đời trước, đời sau v.v...,
chẳng có con mắt trí huệ. Chẳng phải là hạng chấp Ðoạn, cũng là phường
chấp Thường.
Họ bảo con người bẩm thọ khí huyết cha mẹ mà sanh ra. Trước lúc sanh
ra, vốn chẳng có vật gì; cũng như chết đi, thân hình đã mục nát thì hồn cũng
phiêu tán; làm sao có đời trước và đời sau được? Bọn nho sĩ câu nệ, hủ bại
phương này (tức Trung Hoa) đa phần nói như vậy.
Chấp Thường là nói người luôn là người, vật luôn là vật, chẳng biết
nghiệp do tâm tạo, hình tùy tâm chuyển. Thời cổ có kẻ cực độc đang còn
sống biến ra thân rắn, người cực tàn bạo đang khi còn sống biến thành thân
hổ. Ðang khi còn sống, nghiệp lực mãnh liệt còn biến đổi được thân; huống
hồ chết đi, trước khi tái sanh, thức bị chuyển biến theo sự lôi kéo của nghiệp
ư? Bởi vậy, Phật nói mười hai nhân duyên chính thức là luận về ba đời.
Nhân trước ắt cảm quả sau, quả sau ắt phải có nhân trước. Thiện áo báo ứng,
họa phước xảy đến đều do mình làm, mình chịu, chẳng phải trời giáng. Bất
quá trời chỉ là người đứng ra thừa hành thôi. Sanh tử tuần hoàn chẳng có
cùng cực. Muốn khôi phục bổn tâm để liễu sanh tử mà bỏ “tín nguyện niệm
Phật cầu sanh Tây Phương” sẽ chẳng thể được!
Ba thứ tham - sân - si là cội gốc sanh tử. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh là
diệu pháp liễu sanh tử. Muốn bỏ ba pháp kia (tham - sân - si) để tu ba pháp
này (tín - nguyện - hạnh) thì ba pháp này đắc lực, ba pháp kia tự diệt. Một
pháp quán Sổ Tức bất tất phải dùng. Hãy nên trong lúc niệm Phật, lắng tai
nghe kỹ, cách nhiếp tâm này tương tự phép Sổ Tức, nhưng lực dụng hơn
phép Sổ Tức một trời, một vực. Phép quán Niệm Phật nên đọc trong Ấn
Quang Văn Sao và các trước thuật Tịnh Ðộ sẽ biết.
* Hỏi: Nếu như nói dù táng thân mất mạng cũng chỉ sanh hoan hỷ, chẳng
sanh sân hận thì giả sử có kẻ ác muốn đến hại mình, mình chẳng lo toan gì,
cứ mặc cho nó sát hại mình ư?
Ðáp: Phàm người tu hành, có kẻ là phàm phu, có người là bậc Bồ Tát đã
chứng Pháp Thân. Lại có người lấy việc duy trì thế đạo làm chánh, có người
chỉ lấy việc liễu giải tự tâm làm trọng. Nếu là hạng chỉ lo liễu giải tự tâm và
hàng Bồ Tát đã chứng Pháp Thân thì sẽ hành động như đã nói. Bởi lẽ, họ
thấy mình và vật hệt như nhau, sanh tử như một.
Nếu là hạng phàm phu, muốn duy trì thế đạo thì cứ an lòng học theo Bồ
Tát thâm từ đại bi, không gì là chẳng dung. Xử sự vẫn thuận theo lẽ thường
thế gian: hoặc là dùng cách khuất phục, chế ngự để nhiếp phục, hoặc dùng
nhân từ để cảm hóa... nhiều cách khác nhau; nhưng trong tâm trọn chẳng
được hung tợn, nóng giận, cố kết oán hận.