Những điều nói trong đoạn trước là nêu tình huống giả tưởng để [người
tu nhờ đó] tiêu diệt tập khí nóng giận. Nếu phép quán này thành thục, tập khí
sân hận tự diệt, dù gặp phải cảnh thật sự hại đến thân cũng vẫn giữ được tâm
thản nhiên, thực hiện đại bố thí. Nhờ công đức ấy liền sanh Tịnh Ðộ. So với
việc giết chóc lẫn nhau, bao kiếp dài lâu đền trả, chẳng phải là khác biệt một
trời, một vực đấy ư?
* Sân tâm chính là thói quen từ đời trước. Nay cứ nghĩ mình đã chết,
mặc cho dao chặt hay hương bôi cũng chẳng can dự gì đến mình. Với tất cả
những cảnh chẳng thuận tâm, do nghĩ mình đã chết, sân làm sao còn khởi
được nữa?
* Nói đến sân tâm là nói đến thói quen từ đời trước. Nay đã biết sân là
có hại, vô ích, đối với hết thảy các sự hiện hữu hãy nên dùng lượng biển
rộng trời cao để dung nạp. Như vậy thì tập tánh rộng rãi trong đời này sẽ
chuyển biến được tập tánh hẹp hòi trong những đời trước. Nếu chẳng gia
công đối trị, tập khí sân hận càng tăng, tai hại chẳng nhẹ.
Còn khi niệm Phật thì phải căn cứ trên tinh thần, khí lực của mình để
làm chuẩn mà niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng, niệm thầm và kim cang niệm
(tức là niệm có tiếng se sẽ, người khác chẳng nghe thấy. Những người trì
chú gọi cách này là kim cang niệm). Chẳng được quá mãnh liệt đến nỗi mắc
bệnh. Cái tâm quá mãnh liệt ấy cũng là cái bệnh “dục tốc” (mong cho mau
đạt kết quả).
Nếu nay đã chẳng thể niệm ra tiếng, há trong tâm chẳng niệm thầm được
hay sao? Sao lại chỉ hạn chế trong mười niệm? Huống hồ lúc bệnh nằm trên
giường, há nên để tâm trống rỗng như bị rửa sạch, trọn chẳng niệm gì hoặc
niệm chuyện khác? Sao bằng càng niệm nhiều danh hiệu Phật?
Lúc ấy phải nên giao gấp mọi việc cho người nhà làm thay, luôn nghĩ
mình sắp chết, tưởng sắp đọa địa ngục, trong tâm không còn dính mắc sự gì.
Dùng tâm thanh tịnh ấy nhớ tưởng Phật tượng và thầm niệm Phật danh cũng
như tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và danh hiệu ngài. Nếu thật sự làm được
như thế thì nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, bệnh
tật thuyên giảm, thân tâm khang kiện.
Bệnh của các hạ thuộc về túc nghiệp, niệm Phật quá mạnh mẽ tạo duyên
cho bệnh phát hiện, chẳng phải hoàn toàn do niệm Phật quá mãnh liệt nên
mắc bệnh. Nếu ông chẳng niệm Phật thì cũng do nhân duyên khác mà bị
bệnh. Trên đời, kẻ không niệm Phật rất nhiều, há không có một ai cũng mắc
phải căn bệnh đó, cứ khoẻ mạnh mãi ư? Hiểu được điều này sẽ chẳng tự lầm
lẫn mà bảo là niệm Phật đến bệnh, chỉ tổn hại, không ích lợi gì!