Dĩ mộc đại hải giả,
Tất dụng bách xuyên thủy,
Thân đáo Hàm Nguyên điện,
Bất tu vấn Trường An?
(Ðã tắm trong biển cả,
Ắt dùng nước trăm sông.
Thân đến điện Hàm Nguyên,
Hỏi Trường An chi nữa?)
Có thể nói là rất khéo hình dung vậy!
* Chớ có nói một pháp Trì Danh là thiển cận, rồi bỏ pháp này, tu các
pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng! Trong bốn pháp niệm Phật,
chỉ có mỗi Trì Danh là khế cơ bậc nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý
Thật Tướng sẽ hiển lộ toàn thể, diệu cảnh Tây Phương triệt để phô bày trọn
vẹn. Tức là trì danh mà chứng được Thật Tướng, chẳng quán tưởng mà thấy
cùng tột cảnh Tây Phương.
Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để
thành Phật. Nay những người dạy lý quán pháp đều chẳng hiểu rõ. Nếu tu
Quán Tưởng, Thật Tướng lỡ bị ma dựa, há có phải là biến khéo thành vụng,
cầu thăng hóa đọa. Hãy nên tu hạnh dễ hành, sẽ tự cảm được diệu quả.
* Như Lai thuyết pháp vốn là để thích ứng căn cơ. Vì thế mới có việc vì
Thật bày Quyền, hiển Quyền khai Thật, năm thời giáo hóa. Lại vì cậy vào tự
lực để liễu thoát thì khó, cậy Phật lực để liễu thoát thì dễ. Lại vì chúng sanh
đời Mạt căn cơ hèn kém nên Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Ðộ để ba
căn thượng, trung, hạ đều hưởng lợi ích, cùng chứng Bất Thoái.
Ðời có kẻ ham cao chuộng trội, chẳng xét thời cơ, cứ đem những pháp
phần đông chẳng khế ngộ nổi để dạy người tu tập. Ý họ tuy rất lành, nhưng
ước về giáo pháp thì chẳng thích hợp với căn cơ, cho nên dụng sức rất nhiều
mà kẻ được lợi ích lại ít!
* Trước khi chưa đắc Nhất Tâm, trọn chẳng thể móng khởi ý niệm thấy
Phật. Ðạt được Nhất Tâm thì tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy
liền thấy ngay, chẳng thấy cũng không ngại gì. Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm
niệm rối bời, ý niệm muốn được thấy Phật kết chặt trong dạ, trở thành đại
bệnh cho việc tu hành. Lâu ngày, kẻ oán gia trong nhiều đời thừa dịp tình
tưởng vọng động, dối hiện thân Phật để đòi oán cũ. Tự mình tâm không
chánh kiến, toàn thể thuộc về khí phận ma, vừa thấy liền sanh hoan hỷ. Do
đấy, ma nhập tim gan, bị ma dựa phát cuồng. Dù có Phật sống cũng chẳng
làm gì được!