ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC - Trang 82

Niệm đức Phật Thật Tướng như vậy nói có vẻ dễ, nhưng tu chứng khó

nhất. Chẳng phải bậc Ðại Sĩ tái lai, có ai chứng được ngay trong đời này? Do
khó khăn ấy, lẽ đương nhiên cách Trì Danh niệm Phật đáng nên khen ngợi,
khuyên tu. Hiểu điều này rồi mà còn muốn cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc
chứng chân, khôi phục tâm tánh vốn sẵn có, chẳng chịu sanh lòng tin, phát
nguyện, chấp trì danh hiệu cầu sanh Tây Phương, quyết chẳng có lẽ ấy!

Do Thật Tướng hiện hữu trong hết thảy pháp, một pháp Trì Danh chính

là một đại pháp môn vừa là Sự vừa là Lý, vừa cạn, vừa sâu, vừa là tu, vừa là
tánh, là phàm tâm nhưng lại là Phật tâm. Với Trì Danh mà hiểu được thể của
nó chính là Thật Tướng thì [đạt] lợi ích sâu rộng. Bỏ Trì Danh để chuyên tu
Thật Tướng thì vạn người tu, cũng khó được một hai kẻ thật chứng! Cứ xem
quả báo của những vị Tô Ðông Pha, Tăng Lỗ Công, Trần Trung Tú, Vương
Thập Bằng v.v... sẽ thấy được lẽ trên. Với một việc liễu sanh thoát tử há cứ
dùng chí to, lời lẽ to lớn mà thành tựu được nổi sao?


* Niềm vui niệm Phật chỉ người chân thật niệm Phật mới biết được nổi.

Nhưng phải chí thành khẩn thiết, nhiếp tâm mà niệm, chẳng được chấp vào
tướng ngoại cảnh. Nếu không cõi lòng chẳng thông, quán đạo chẳng thuần
thục, ma cảnh hiện tiền cũng chẳng biết rõ thì nguy lắm! Phải nhớ kỹ, nhớ
kỹ! Nay những người thật sự hoằng dương Tịnh Ðộ khó được mấy ai! Ðem
ý niệm tham học với khắp các bậc tri thức đổi thành nhất tâm niệm Phật thì
lợi ích to lớn. Nếu không, chỉ thành ra uổng công nhọc nhằn bôn ba mà thôi!


* Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm chính là niệm đến lúc tương ứng,

dù thường niệm Phật, nhưng trọn không có tướng khởi tâm động niệm (lúc
chưa tương ứng, chẳng khởi tâm động niệm thì chẳng niệm). Tuy chẳng khởi
tâm động niệm, nhưng thường luôn xưng niệm hoặc ức niệm một câu Phật
hiệu; nên nói “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Ðừng hiểu vô niệm là
không niệm. Vô niệm nghĩa là không có tướng khởi tâm động niệm để niệm,
nhưng niệm niệm chẳng gián đoạn. Cảnh giới này chẳng dễ đạt được, chớ có
hiểu lầm!


* Một pháp Quán Tưởng tuy hay, nhưng phải hiểu rõ tượng Phật mình

thấy đó thuộc về duy tâm sở hiện. Nếu tưởng đó là cảnh ngoài tâm, rất có thể
bị ma dựa phát cuồng. Chẳng thể không biết! Duy tâm sở hiện là cảnh tượng
ấy tuy rành rẽ phân minh, nhưng thật chẳng có vật gì. Nếu tưởng là ngoại
cảnh, cho là đành rành thật có thì liền thành ma cảnh. [Khi tu Quán] nhắm
mắt, mở mắt cốt sao thích hợp là được.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.