đời ngày 29 tháng Mười, năm 1792, hưởng thọ 84 tuổi.’ Một bài văn bia hết
chỗ chê, Prissy ạ. Rõ ràng là có nhiều ‘khoảng trống cho tưởng tượng’ trong
đó. Cuộc đời của ông ấy chắc phải tràn đầy phiêu lưu mạo hiểm. Về các ưu
điểm cá nhân, tớ tin văn bia nhân loại không thể đi xa hơn thế. Tớ tự hỏi hồi
ông ấy còn sống người ta có khen ông ấy cái gì cũng là nhất hay không.”
“Một bài khác nữa này,” Priscilla nói. “Nghe này: ‘Tưởng niệm
Alexander Ross, mất vào ngày 22 tháng Chín, 1840, 43 tuổi. Bia này được
dựng để biểu lộ tình cảm của người được ông phục vụ tận tâm suốt 27 năm
ròng, coi ông như một người bạn, xứng đáng với sự tin tưởng và gắn bó
tuyệt đối.’”
“Một văn bia rất có ý nghĩa,” Anne trầm tư. “Tớ chẳng mong được gì hơn
thế. Chúng ta đều là người phục vụ, về mặt nào đó, và nếu sự tận tâm của
chúng ta có thể được ghi lại một cách chân thực trên bia mộ thì chẳng cần
ghi thêm gì nữa. Đây là một bia mộ xám buồn thảm, Prissy ạ, ‘Tưởng niệm
đứa con yêu dấu.’ Và đây nữa ‘Dựng lên để tưởng niệm người chôn thân
nơi khác.’ Tớ tự hỏi ngôi mộ thực của người đó nằm ở đâu. Thiệt tình, Pris
ạ, nghĩa địa thời nay chẳng được thú vị thế này. Cậu nói đúng, tớ sẽ thường
ghé qua đây. Tớ thích nó rồi đấy. Tớ thấy chúng ta không cô độc, có một cô
gái ở cuối đường kìa.”
“Ừ, và tớ tin đó chính là cô gái chúng ta nhìn thấy ở Redmond sáng nay.
Tớ đã quan sát cô nàng năm phút rồi. Cô nàng dợm chân bước đến đây
được cả năm, sáu lần, rồi năm, sáu lần đều xoay người quay trở lại. Hoặc là
cô nàng cực kỳ nhút nhát, hoặc là lương tâm cô nàng đang cắn rứt vì
chuyện gì đó. Chúng ta đến gặp cô nàng đi thôi. Làm quen trong nghĩa địa
thì dễ hơn là ở Redmond, tớ nghĩ thế.”
Họ đi dọc theo đường mái vòm cỏ mọc đầy về phía cô gái lạ đang ngồi
trên một phiến đá xám dưới cây liễu khổng lồ. Cô nàng rõ ràng là hết sức
xinh đẹp, một vẻ đẹp sống động, bất thường và quyến rũ hút hồn. Mái tóc
mịn như nhung sáng bóng như hạt dẻ, đôi má bầu bĩnh ửng mọng dịu dàng.