Bà Elinor đẩy cái ly của mình ra và trong phút chốc, bà nhìn sững vào ly
rượu trong veo màu hổ phách, cái màu mà bà thích một cách say mê, ông tự
nhủ, bà say mê các dáng vẻ và màu sắc, kể cả màu sắc của các thức ăn. Bản
chất tự nhiên của bà, tính không thẹn thùng của bà, đã bảo toàn tuổi thanh
xuân của bà, đến độ người ta không thế đoán được tuổi tác của bà. Không có
gì làm khô héo con người bằng sự giả vờ làm ra vẻ đáng kính, hoặc đoan
trang ngoài mặt, để khỏi bị người ta chê cười. Chẳng hạn, như không bao
giờ dám gia nhập một thứ tổ chức bắt buộc các thành viên mặc những chiếc
áo dài rộng thùng thình, giả làm người Á Đông. Họ đã họp thường niên tuần
trước tại New York, và người ta đã chứng kiến trò hề của những ông già
trang sức lố bịch, bụng lớn, giò teo, cả lũ đều buồn cười như nhau. Ông
William đã phải cho xe chạy vòng ra xa để tránh họ.
“Có, em cảm thấy thiếu vắng chúng. Em tự hỏi tại sao?”
“Mấy năm sau này, chúng ta ít thấy chúng,” ông đáp, “chúng sống đời
sống riêng của chúng quá sớm đối với thời đại của chúng ta.”
Bà suy luận:
“Em cho là điều đó đã bắt đầu từ khi chúng ta có máy truyền hình, chiều
nào chúng cũng tụ tập xem trong một căn phòng khác với phòng của chúng
ta.”
Herbert xuất hiện nơi cửa lớn, to xù trong cái áo vét có sọc màu trắng.
Bà Elinor đứng lên, đưa bàn tay ra để ông William cầm lấy và luồn xuống
dưới cánh tay ông. Bà nói:
“Đi đi, anh yêu…”
Rồi một cách nửa đùa nửa thật, hai ông bà tiến vào phòng ăn một cách
trịnh trọng, theo sau tấm lưng hộ pháp của Herbert.
Trong khi ông kéo nhẹ ghế ngồi cho vợ, bà nói:
“Em luôn luôn biết ơn anh, vì xưa nay bao giờ anh cũng vẫn vậy.”
Ông ngồi xuống, và xuyên qua làn hơi bốc lên từ chén xúp nóng mà
Herbert đặt trước mặt, ông mỉm cười với bà. Ông bắt gặp ánh mắt của bà, và
thấy tình yêu của bà ngời lên trong đó, như một tia sáng êm đêm, bền vững.
Ông tự nhủ lòng, con người khi vươn đến tuổi già mà còn thấy được tia sáng
của tình yêu, và còn cảm nhận nó sẽ tồn tại cho đến mãn đời, thì thật là được