Heinrich có khuynh hướng làm một người Đức mềm mỏng, giàu tình cảm,
nhưng Bertha nắm vững anh ta trong tay. Em biết cha em chỉ cần ngó
Heinrich một cách nghiêm khắc, khi anh ta vụng về là đủ, sau đó thì Bertha
có trách nhiệm làm tiếp.”
“Dì Emma có mạnh khỏe không?” ông hỏi vẻ còn lơ đãng.
Theo lẽ, ông phải ở lại New York Chủ nhật này. Chứng nhận duy nhất của
mọi đầu dây mối nhợ đã bị theo dõi, nhưng làm sao đủ tin vào những con
người thành thị.
“Dì ấy đang xuống dốc,” bà nói tiếp, “em thường tự hỏi, dì Emma đã gặp
chuyện gì trong cuộc đời của dì. Dì luôn nhắc đến Jessica lúc nó còn bé;
dường như dì lưu tâm đến điều đó mỗi lần dì đến thăm chúng ta. Tuy vậy,
đời sống ở New York hợp ý thích của dì, như dì đã bảo, đó là thành phố của
những bà độc thân, nơi họ có những thú vui như đi nghe nhạc, diễn thuyết,
xem triển lãm. Em ngỡ dì nay đã trở nên hơi kỳ cục, nhưng dì vẫn luôn luôn
dịu dàng.”
“Kỳ cục à?”
Bà Bertha bưng đến một thứ bánh gatô thật ngon. Bà Elinor lại nói tiếp:
“Dì ấy nghiêng mình xuống bên em như thường lệ, vừa đập nhẹ lên khuỷu
tay em vừa nói: “Tôi có một bức tranh của Turner”. Nhưng làm sao có thể
có được, anh nhỉ? Giá bức tranh đó có đến hàng chục ngàn đôla, cho nên em
hỏi lại: “Có thật thế không?” Dì ấy cười không ra tiếng và đáp: “Có chứ, tại
phòng tranh của Frick. Ngày ngày tôi tới đó hàng giờ để chiêm ngưỡng.
Không ai biết là nó thuộc về tôi, nhưng nó là của tôi đấy. Tôi làm chủ nó
đấy!”, và dì ấy vỗ vỗ vào lòng ngực già cả, xẹp lép của dì.”
Cha của bà Elinor đã chọn ông William trong số các luật sư làm người thi
hành chúc thư cho cái di sản bé nhỏ của bà Emma.
Ông William uể oải nói:
“Anh phải xem coi sự việc như thế nào. Có thể dì ấy đã trở thành một con
người vô trách nhiệm. Dì ấy sống cô độc một mình, phải không?”
“Dì ấy sống trong cái khách sạn cũ kỹ đó,” bà đáp, “Nếu không quá xa
xôi như thế, có lẽ em đi thăm dì ấy thường hơn.”
“Đó cũng là khoảng cách anh phải vượt qua hằng tuần để về với em…”