bé biết rất rõ về các Học giả: người Thủ thư, Hiệu phó, viên Thanh tra
và số còn lại; họ là những người đã bên cô cả đời, dạy dỗ cô, trừng
phạt cô, an ủi cô, tặng cô những món quà, đuổi cô khỏi các cây ăn quả
trong vườn; họ là tất cả những gì cô có cho một gia đình. Thậm chí
nếu biết gia đình là thế nào, cô bé có lẽ đã cảm thấy họ như một gia
đình thực sự, mặc dù nếu biết, cô sẽ dễ cảm nhận điều đó với những
người phục vụ trong Học viện hơn. Các Học giả có nhiều việc quan
trọng phải làm hơn là chú ý tới cảm xúc của một cô nhóc nửa hoang
dã, nửa văn minh, tình cờ bị bỏ lại với họ.
Hiệu trưởng bật đèn cồn dưới chiếc lò hâm nhỏ bằng bạc lên và
đun nóng chút bơ trước khi cắt đôi chục quả anh túc rồi thả vào. Quả
anh túc luôn được dọn ra sau một bữa tiệc: nó giúp đầu óc minh mẫn,
kích thích trao đổi, và làm cuộc thảo luận trở nên sâu sắc hơn. Việc
Hiệu trưởng tự chuẩn bị món này đã trở thành thông lệ.
Trong tiếng lách tách của bơ rán và tiếng nói chuyện rì rầm, Lyra
xoay người để tìm vị trí thoải mái hơn. Thật cẩn thận, cô bé lấy một
trong những chiếc áo choàng - chiếc được đính lông toàn bộ - khỏi
mắc và trải xuống sàn tủ.
“Đáng ra cậu nên dùng cái nào cũ và xấu thôi,” Pantalaimon thì
thào. “Thoải mái quá là thể nào cậu cũng ngủ cho xem.”
“Tớ mà ngủ thì nhiệm vụ của cậu là đánh thức tớ dậy,” cô bé đáp.
Cô ngồi xuống lắng nghe cuộc nói chuyện. Lại một cuộc đàm
luận tẻ nhạt đến phát chán; chủ yếu toàn xoay quanh chính trị, mà là
chính trị London, chẳng có gì hấp dẫn về người Tartar cả. Mùi anh túc
rán và lá thuốc cháy khoan khoái luồn vào qua cửa tủ; Lyra thấy mình
gục gặc đầu không chỉ một lần. Rồi cuối cùng cô bé cũng nghe thấy có
ai đó gõ lên bàn. Tiếng trò chuyện lắng xuống; sau đó Hiệu trưởng cất
tiếng.
“Thưa quý ngài,” ông nói. “Tôi xin thay mặt quý vị gửi lời chào
tới Ngài Asriel đây. Những cuộc viếng thăm của ngài dù rất hiếm hoi
nhưng luôn quý báu vô cùng; và tôi được biết rằng ngài ấy có thứ đặc