Lần này đến lượt viên Thủ thư im lặng. Kể từ khi Giáo hoàng
John Calvin dời ghế Giáo hoàng về Geneva và thiết lập Tòa án Công
giáo Kỉ luật, quyền lực của Giáo hội trong mọi khía cạnh cuộc sống đã
trở nên tuyệt đối. Bản thân chức Giáo hoàng đã bị bãi bỏ sau cái chết
của Calvin, và một mớ hỗn độn các tòa án, học viện, hội đồng, nhìn
chung được biết đến với cái tên Huấn Quyền, đã phát triển lên thay thế
nó. Những cơ quan này không phải luôn gắn kết với nhau; đôi khi có
sự kình địch gay gắt giữa họ. Trong phần lớn thế kỉ trước, tổ chức
quyền lực nhất là Học viện Giám mục, nhưng vài năm trở lại đây Tòa
án Công giáo Kỉ luật đã chiếm vị trí cơ quan tích cực và được kính sợ
nhất của Giáo hội.
Nhưng các cơ quan độc lập luôn có khả năng phát triển dưới sự
bảo hộ của một bộ phận khác thuộc Huấn Quyền, và Ủy ban Hiến tế
mà Thủ thư đã nhắc đến chính là một trong số này. Viên Thủ thư
không biết nhiều về nó; nhưng ông không thích và kinh sợ những gì đã
nghe được, nên ông hoàn toàn thấu hiểu nỗi lo lắng của Hiệu trưởng.
“Giáo sư Palmerian có nhắc đến một cái tên,” khoảng một phút
sau ông nói. “Barnard-Stokes? Vụ Barnard-Stokes là sao vậy?”
“À, đó không phải là lĩnh vực của chúng ta, Charles ạ. Theo như
tôi hiểu thì Nhà thờ Thánh dạy rằng có hai thế giới: một thế giới chứa
đựng tất cả những thứ chúng ta có thể nhìn, nghe, sờ nắm, và một thế
giới khác, thế giới tinh thần của thiên đàng và địa ngục. Barnard và
Stokes là hai - phải nói thế nào nhỉ - nhà thần học bội giáo
, những
người đã đề ra định lí về sự tồn tại của rất nhiều thế giới khác như thế
giới của chúng ta, không phải thiên đàng hay địa ngục, mà vật chất và
đầy tội lỗi. Chúng ở đó, rất gần, nhưng lại vô hình và không thể chạm
tới. Nhà thờ Thánh dĩ nhiên là không tán thành thứ dị giáo ghê tởm
này, nên Barnard và Stokes đã bị bịt miệng.
“Nhưng không may cho Huấn Quyền là có vẻ như có những lí lẽ
toán học vững chắc cho thuyết thế giới khác này. Bản thân tôi thì