chăn tiễn cậu ta ra cửa bằng ánh mắt.
Bình thường, Ryoji bao giờ cũng lẳng lặng ra đi, nhưng hôm ấy
lại ngoảnh đầu vào trong nhà nói với Yaeko, “Con đi đây.”
“Ừm, đi đường cẩn thận.” Bà ta trả lời, vẫn còn đang bần thần
ngái ngủ.
Đó là cuộc đối thoại cuối cùng của hai mẹ con họ. Mấy tiếng
đồng hồ sau, Yaeko mới phát hiện trên bàn trang điểm có mảnh giấy,
bên trên chỉ viết “Con không về nữa đâu”. Đúng như lời nhắn để lại,
Ryoji không bao giờ xuất hiện nữa.
Nếu thật sự muốn tìm con trai, đương nhiên cũng không đến
nỗi không biết phải bắt đầu từ đâu, nhưng Yaeko cũng không tích
cực tìm kiếm cho lắm. Mặc dù cô đơn, nhưng trong lòng bà ta lại
cảm thấy chuyện này thành ra như vậy là có nguyên nhân của nó. Bà
ta biết rõ mình chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của một người
mẹ, cũng hiểu được rằng Ryoji không hề coi mình là mẹ.
Yaeko ngờ rằng không biết có phải mình bẩm sinh đã thiếu mất
bản năng làm mẹ hay không. Hồi đó bà ta sinh Ryoji không phải vì
muốn có con mà nguyên nhân duy nhất là bà ta chẳng có lý do gì để
phá thai cả. Bà ta kết hôn với Yosuke, cũng vì cho rằng từ đây không
cần phải làm việc mà sẽ được sống sung sướng thoải mái. Thế
nhưng, vai trò làm vợ làm mẹ nhạt nhẽo, vô vị hơn những gì bà ta
tưởng tượng ban đầu quá nhiều. Bà ta không muốn làm vợ hay làm
mẹ, mà chỉ mong mình mãi mãi là đàn bà thôi.
Khoảng ba tháng sau khi Ryoji bỏ nhà ra đi, bà ta có tư tình với
một người đàn ông bán các hàng tạp hoá nhập khẩu. Ông ta đã xoa
dịu trái tim cô đơn của Yaeko, thực hiện nguyện vọng làm đàn bà
của bà ta.