Giáo dục con người là cấu thành ở nó những viễn cảnh theo đó sẽ sắp xếp
cái vui ngày mai của nó. Về cái công tác lớn lao này, người ta có thể viết
nên cả một thiên đại luận nghiên cứu phương pháp tiến hành. Phương pháp
đó là dựng nên những viễn cảnh mới, trong khi vẫn lợi dụng những viễn
cảnh đã có rồi mà dần dần tạo ra những viễn cảnh quý giá hơn. Người ta
cùng có thể khởi đầu từ một bữa ăn ngon, một buổi xem xiếc, một cuộc nạo
vét ao, song phải luôn luôn đặt ra và mở rộng dần những viễn cảnh chung
cho cả tập thể, và nâng lên tới mức chung cho cả Liên-xô nữa.
Sau khi chinh phục được Kuriajê thì Hội ngày mùa là cái viễn cảnh gần gũi
nhất đối với tập thể của chúng tôi.
Song tôi phải nêu lên ở đây một buổi tối đặc biệt, nó đã trở thành như một
bước ngoặt trong sự phấn khởi cố gắng của bọn trẻ Kuriajê. Tuy nhiên tôi
đã không trông đợi một kết quả như vậy và chỉ muốn làm một việc cần phải
làm, mà chẳng có chủ định gì về mặt thực tiễn hết.
Các trại viên mới không biết Gorki là ai. Ít ngày sau khi chúng tôi đến,
chúng tôi mở một dạ hội Gorki. Buổi dạ hội đó được tổ chức rất đơn giản.
Tôi chủ ý không muốn cho nó có tính cách một cuộc nhạc hội hay một dạ
hội văn nghệ. Chúng tôi không mời ai hết thảy. Trên sân khấu trang trí sơ
sài, chân dung của Alecxêi Maximôvich được đặt lên.
Tôi kể chuyện cho bọn trẻ nghe về đời Gorki và nói chi tiết về sự nghiệp
của ông. Và trại viên đã đọc những đoạn của “Thời thơ ấu”.
Bọn trẻ mới giương to mắt ra nghe tôi; chúng không tưởng tượng được rằng
mỗi đời sống như vậy lại có thể có ở trên đời. Chúng không chất vấn gì tôi
cả và chúng chỉ xúc động bắt đầu từ lúc Lapô đưa ra cái cặp bìa đựng
những bức thư của Gorki.
- Ông ấy viết những cái này à? Chính ông ấy à? ông đã viết cho các trại
viên à? Cho xem nào...
Lapô đi qua các hàng trại viên, thận trọng giơ lên những bức thư mở ra của
Gorki. Có đứa giữ tay hắn lại và cố đi sâu hơn vào nội dung của thư: