Ôtenlô và Đexđêmôna, Ônêghin và Tatiana, Vêra và Xinvextrôp. Đến bao
giờ hết chuyện ấy? Đến bao giờ người ta sẽ không bắt buộc phải chăm chú
đến họ, để nghe ngóng tự hỏi: liệu hắn có tự treo cổ hay không đây?
Tức giận, tôi bỏ đi ra. Hội đồng đã đuổi anh chàng vị hôn phu đi rồi. Tôi
yêu cầu các đội trưởng nữ hãy ở lại để cùng tôi bàn bạc về Vêra. Ôlia
Lanôva, một cô béo tròn má như táo đỏ, lắng nghe tôi với một vẻ nghiêm
túc dễ thương và nói:
- Đúng đấy: nếu làm cái trò ấy cho cô ta, thì cô ta chết mất.
Natasa Pêtrenkô im lặng, trong khi đôi mắt trầm tĩnh và thông minh của cô
vẫn ngó Ôlia.
- Natasa, ý kiến cô thế nào?
- Bác Antôn Xêmiônôvich ạ, Natasa nói, nếu có người muốn tự treo cổ thì
sẽ chả ai làm gì được cả. Và không nên canh gác cô ta. Các chị khác bảo:
chúng tôi sẽ theo dõi cô ấy. Cố nhiên là chúng ta sẽ để ý, nhưng chúng ta sẽ
chẳng làm thế nào mà canh cô ta được đâu.
Chúng tôi chia tay nhau, các thiếu nữ thì để đi ngủ, còn tôi thì để suy nghĩ
và đợi chờ một tiếng gõ vào cửa sổ của tôi.
Tôi qua vài đêm làm cái công việc hữu ích ấy. Buổi thức đêm có khi bắt đầu
bằng cuộc đến thăm của Vêra. Cô ta tới, đầu bù tóc rối, rũ rượi và đau khổ,
ngồi trước mặt tôi và bắt đầu nói những chuyện vớ vẩn khó chịu hết sức về
cuộc đời bỏ đi của cô, về sự tàn ác của tôi và nhiều trường hợp khác nhau
mổ bụng lấy thai thành công.
Tôi lợi dụng cơ hội ấy để in vào trí não Vêra vài nguyên lý triết học thực
tiễn cần thiết mà cô ta thiếu thốn quá đỗi.
- Cô đau khổ, tôi bảo cô, là vì cô tham lam quá. Cô đòi được vui vẻ và giải
trí, vui thú và thỏa mãn. Cô nghĩ đời sống là một cuộc hội hè, dự không mất
tiền. Con người khác nào đi chơi chợ phiên, ai nấy đều khoản đãi hắn và
nhảy với hắn, chuyện gì cũng phải làm cho hắn vừa lòng ư?