nguyên vật liệu, hoặc thiên tài phát minh gì, song ở trong con người tàn tật
của bác ta sôi sục bao nhiêu sức lực bận rộn mà bác đã không tiêu đi được
dưới chế độ cũ: óc kinh doanh, tính lạc quan, tinh thần chiến đấu, sự hiểu
biết người, lại có một tí chút - có thể tha thứ được - tự do chủ nghĩa phối
hợp một cách kỳ lạ với một tính thụ cảm dễ dàng xúc động và sự tận tụy với
lý tưởng. Hình như lại có một niềm tự hào bao vây lấy tất cả những cái đó,
vì Xôlômông Bôritxôvich thích nói:
- Các anh chưa biết Kôgan này đâu! Khi nào biết lão, thì rồi các anh sẽ nói
nhé!
Bác ta nói đúng. Chúng tôi đã biết Kôgan và chúng tôi đã nói: đó là một
người xuất sắc phi thường. Chúng tôi rất cần đến cái kinh nghiệm thực tiễn
của bác ta. Nói cho đúng thì cái kinh nghiệm ấy có khi biểu hiện dưới
những hình thức làm cho chúng tôi thấy lạnh xương sống, không dám tin ở
mắt mình nữa.
Xôlômông Bôritxôvich chở ở tỉnh về một xe tải giầm xà nhà. Để làm gì?
- Sao lại để làm gì? Dựng nhà kho gửi đồ chứ gì nữa? Tôi đã nhận đóng một
số đồ gỗ cho Học viện Kiến trúc đặt, thế thì cũng phải xếp chúng vào một
chỗ nào chứ.
- Chẳng cần phải xếp chúng vào chỗ nào cả. Ta đóng đồ gỗ xong rồi gửi đến
Học viện.
- Hề-hề! bác tưởng đấy là một cái học viện thật à? Cái hộp ấy chỉ là một trò
bịp. Nếu là một cái học viện, thì tôi lại đi giao thiệp với họ làm gì?
- Không phải là một học viện à?
- Học viện là cái gì chứ? Thì mặc họ muốn tự gọi như thế nào thì gọi. Điều
cốt yếu là họ có tiền. Một khi họ có tiền, thì họ muốn có đồ đạc. Và muốn
dùng đồ đạc thì phải có một cái mái nhà, bác biết đấy. Thế mà xây một cái
mái nhà thì họ cùng còn phải mất thì giờ, bởi vì hiện giờ tường nhà họ cũng
còn chưa có nữa là.