- Tại sao cô ấy khóc? Xôrôka hỏi.
- Cô ấy buồn, tôi trả lời.
- Có lẽ cô ấy có cha mẹ, Xôrôka đoán. Như thế thì phiền quá thật!
Hắn leo lên ghế đằng trước và vung roi ngựa:
- Nước kiệu, đồng chí Mary nhé, nước kiệu! Thế!
Xe chúng tôi vào trong sân trại.
Ba hôm sau, Maria Konđratiepna từ Khackôp lại đến trại. Tôi không nói gì
với bà về tấn bi kịch của Vêra. Sau một tuần lễ nữa, chúng tôi tuyên bố ở
trại là phải cho Vêra đi bệnh viện vì cô ta đau thận. Ở bệnh viện trở về, cô
ta có vẻ buồn và nhẫn nại, nhẹ nhàng hỏi tôi:
- Bây giờ tôi phải làm gì?
Tôi nghĩ ngợi và khiêm tốn đáp:
- Bây giờ thì chúng ta sẽ cố gắng sống dần dần.
Cứ xem vẻ nhìn của cô ta, vừa khinh suất vừa do dự, tôi hiểu rằng, đối với
cô, sống là chuyện khó khăn nhất và cũng là khó hiểu nhất.
Vậy Vêra Bêrêzôpxkaia sẽ đi Kuriajê với chúng tôi, dĩ nhiên rồi. Thành thử
ai cũng đi hết, kể cả số hai chục trẻ mới mà Ủy ban Giáo dục, mấy ngày gần
đây, đã đặt trên ngưỡng cửa tôi, với một thái độ hoàn toàn thờ ơ đối với
những kế hoạch chiến lược của tôi. Giá chỉ đem theo đi Kuriajê số mười
một đội cũ những đội viên đã dạn dày thử thách của trại Gorki thì hay biết
mấy! Các đội ấy đã gay go chiến đấu, trải qua quá trình lịch sử sáu năm của
trại. Họ có một vốn liếng chung về tư tưởng, truyền thống, kinh nghiệm, lý
tưởng, tập quán. Với họ, hình như không phải sợ điều gì hết. Giả thử không
có những đứa trẻ mới thì hay biết bao: mặc dù bề ngoài thấy chúng tan hòa
trong các đội, tôi đi mỗi bước vẫn cứ gặp chúng, và nhìn thấy chúng tôi lại
băn khoăn: có một cái gì không ổn trong lối nói năng, đi đứng, vẻ nhìn của
chúng; chúng còn có những bộ mặt “hạng bét”, những bộ mặt xấu.