Bờ bên kia
NÀNG VẪN CÒN NHỚ NƠI NÀY, vì hồi còn nhỏ nàng thường tới đây
cùng bố mẹ. Làng biển biến thành khu nghỉ mát theo mùa. Nàng chọn nơi
này có lẽ vì nàng vẫn nhớ cái thời nàng nghĩ, ngay cả khí trời ở đây cũng sẽ
trẻ mãi không già hay sao?
Nàng đến đây như người đi an dưỡng, nhưng nàng đang trẻ và khỏe sờ
sờ thế kia... trừ phi gọi tình yêu là một căn bệnh đẹp, còn cuộc chia tay phũ
phàng là vụ tai nạn.
Người ta đã mách nàng chọn một phòng nhỏ trên tầng áp mái, nhìn ra
vịnh. Ðã gần hết tháng chín, khách nghỉ hè chẳng có là bao. Không ai
xuống tắm biển, vì nước lạnh, chỉ thấy những người mến mộ môn lướt ván
đang băng mình trên sóng, nom tựa hồ những con côn trùng sặc sỡ sắc
màu.
Nàng đi dạo. Nàng có cảm giác, nhà thờ gạch, kiến trúc gô tích, bây giờ
nhỏ hơn hồi trước. Tường nứt nẻ, loang lổ gần hết. Mặt chính diện lỗ chỗ
những vết đạn từ hồi tháng chín năm 1939, nom y như da người bị bệnh
đậu mùa. Trên tấm biển đá màu đen bố mẹ nàng từng đọc cho nàng nghe,
họ và tên vị cha xứ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hel
; thế
nhưng lúc này nàng có cảm giác, cả sự kiện này lẫn sự kiện kia đã diễn ra
cùng một lúc, và xa xăm đến nỗi như chưa bao giờ chúng diễn ra.
Rồi sau đó nàng thưởng thức món kem chanh, qua ngần ấy năm mà cái
vị kem này vẫn không thay đổi. Lúc đó lưỡi nàng cảm nhận những miếng
vỏ tẩm đường tan chảy thành thứ nước nhẹ như bọt xà phòng. Không còn
nữa ông già đeo kính gọng sừng mỉm cười với nàng, gọi nàng là cô khách
hàng bé bỏng của ông. Người đàn bà đứng sau quầy hàng đích mục sở thị
nụ cười của ông lão, nụ cười kín đáo của thế hệ này truyền cho thế hệ khác,
giống như bí mật của vị kem vậy.