Friend quả là người tiêu dùng sành điệu. Anh có hai chiếc
thuyền, một ca nô và sáu xe hơi (hai cái đi thuê, bốn cái khác mua
trả góp). Điều thú vị là trong gia đình anh chỉ có ba người biết lái
xe! Anh là thành viên của hai câu lạc bộ thể thao ngoài trời và đeo
một chiếc đồng hồ có giá hơn 5.000 đô-la. Quần áo anh mặc
được mua từ những cửa hàng sang trọng nhất. Anh cũng “sở hữu” cả
một biệt thự nghỉ mát.
Năm ngoái, thu nhập của anh Friend là xấp xỉ 221.000 đô-la. Ở
độ tuổi 48, giá trị tài sản mà đáng ra anh ta nên có là bao nhiêu?
Theo phương trình tính tài sản của chúng tôi thì giá trị tài sản ròng
của anh ta nên là 1.060.800 đô-la (tài sản kỳ vọng = 1/10 độ tuổi x
tổng thu nhập hàng năm). Thế nhưng giá trị thực anh ta có là bao
nhiêu? Chưa đến 1/4 con số kỳ vọng.
Làm sao giá trị tài sản ròng của anh Friend lại khiêm tốn đến
vậy? Câu trả lời nằm ở cách suy nghĩ của Friend. Việc tích lũy tài sản
không phải là động cơ thúc đẩy anh ta. Friend tin chắc rằng nếu
xuất thân giàu có thì hẳn anh đã không trở thành một cỗ máy kiếm
tiền như bây giờ, bởi người xuất thân giàu có hầu như không có
nhiều động cơ để “sống sung túc hơn” như anh.
Và như thế, Friend đã tìm ra một cách để duy trì và thậm chí là
tăng cường ý chí làm việc tích cực hơn nữa. Anh ta nhận thấy rằng
sợ hãi là nhân tố thúc đẩy tuyệt vời. Vì thế, anh tăng cường chi tiêu
bằng các khoản tín dụng. Nợ nần tăng lên đẩy nỗi sợ hãi quá hạn
trả nợ tăng theo. Và chính nỗi sợ nợ nần mỗi lúc một cao này sẽ kích
thích anh ta làm việc hăng say hơn, cật lực hơn. Với anh ta, một ngôi
nhà to đẹp là lời nhắc nhở về khoản tiền vay mua nhà và yêu cầu
làm việc xuất sắc.
Song, không phải đối với sản phẩm và dịch vụ nào anh Friend
cũng chi tiêu rộng rãi. Thử hỏi Friend xem anh ta dành bao nhiêu