mỗi ngày, chúng ta cũng sống mỗi ngày thêm một ít, em đã nói và anh cũng
chẳng quên, và kẻ nào không muốn ôm đồm sẽ có được tất cả. Vĩnh biệt,
anh hôn em bằng đôi môi lạnh, anh ôm em trong vòng tay - những cánh tay
không hề biết giữ lại - chúc em may mắn, chúc em manh khỏe, em vẫn cứ
mãi ở trong anh...”
Tôi ngồi trên ghế dài trong vườn cây với một chai rượu mạnh trong tay,
nhìn bao quát cả khu trại điên.
Trong túi tôi, một ngân phiếu đang nằm đó: ba mươi quan Thụy Sĩ.
Những phép lạ nối tiếp nhau. Một tờ báo Zurich mà cách đây hai năm tôi đã
gởi tới tấp rất nhiều bài thơ, vừa chọn đăng được một và gởi trả tiền nhuận
bút bằng ngân phiếu. Tôi đã tới thẳng ngân hàng người ta cho biết không
phải ngân phiếu giả. Một nhân viên ở đó đề nghị tôi đổi ra Đức kim theo thị
trường đen. Không. Mảnh giấy quý giá đó đang nằm trong túi áo, cạnh trái
tim. Nếu nó tới sớm hơn có lẽ tôi đã dùng nó để sắm một bộ quần áo mới
làm dáng với mẹ con bà Terhoven. Mặc! Gió lạnh nổi lên, tờ ngân phiếu
phập phều trong túi áo. Tôi ngồi với một bộ lễ phục trong tưởng tượng, với
đôi giầy da hoẵng mà Karl Brill hứa đóng cho, với một khăn tay ló ra từ
miệng túi. Tôi là một nhà tư bản đang du lịch, cả Moulin Rouge thuộc về
tôi, một cái vẫy tay và một chai sâm banh mang tới... và tôi uống, tựa người
vào bờ tường xám, phía sau tôi là một lũ oan hồn: Isabelle, tuổi trẻ của anh,
mẹ, em, Bodendick - Đại diện nhà trời - Wernicke - vị chủ tể của luận lý - ...
và xa xa là bóng dáng quỷ quái của chiến tranh.
Trước mặt tôi là một tòa nhà, viện bảo sanh. Lần đầu tiên tôi nhận ra nó ở
quá gần khu trại người điên. Đó là nơi tôi được sanh ra và tôi gần như quên
mất. Chào mi, ngôi nhà thân mến, nơi sanh sản của con người. Người ta đã
đưa mẹ ta đến với mi, gia đình ta nghèo lắm và mi đã chấp nhận hoàn toàn
miễn phí. Xin chào người! Kiến trúc sư xa lạ đã xây dựng tòa nhà sanh đẻ
ấy lên, bên cạnh nhà thương điên. Có lẽ người không nhận ra sự kỳ dị đó
bởi vì những điều buồn cười nhất lại thường được thực hiện bởi những