hương xa lắm tận ngoài Thụy Anh, Thái Bình. Oanh chưa hình dung được
miền quê thân yêu đó như thế nào nhưng chắc là đẹp lắm. Thái Bình nghĩa
là không có súng bom, khói lửa, mọi người sống với nhau thân ái, thuận
hòa. Cô ao ước một ngày nào đó, tất cả đất nước thái bình để được cùng ba
má ra Bắc thăm quê cha đất tổ.
Mười bốn tuổi. Oanh đã thạo nghề cày cấy. Tuổi thơ của Oanh gắn liền
với thửa ruộng, mảnh vườn và những công việc nghề nông vất vả. Oanh
thương ba má, anh em nhưng vẫn khát khao một ngày nào đó được ra đi
đánh giặc như các chú, các anh. Chỉ có chiến đấu giải phóng quê hương
mới hết giặc giã, Oanh mới được về thăm quê Thái Bình.
Nhân dịp có mấy chú cán bộ ém trong nhà, Oanh xin đi theo. Chú Hai
xoa đầu Oanh:
- Đi với các chú cực khổ lắm, con gái lại nhỏ con như cháu không chịu
nổi đâu.
Oanh năn nỉ:
- Cháu theo học làm cách mạng thôi chớ có làm gì đâu mà cực khổ.
Ai cũng bật cười cô bé ngây thơ. Ba Oanh, vốn chiều con nhưng vẫn
khuyên can:
- Con đừng làm phiền các chú. Lớn thêm ít tuổi nữa, ba má cho đi.
Nhưng rồi tất cả phải chiều theo cô bé Oanh theo chú Hai ra vùng căn cứ
ở lều, ăn cơm dưới đất, uống nước lóng phèn vậy mà quên cả chuyện nhớ
nhà. Nhưng đi "học làm cách mạng" chưa nóng chỗ. Oanh đã vỡ mộng. Cô
bị tổ chức trả về nhà vì còn "đẹt" quá. Ở vùng căn cứ ăn nghỉ vất vả đã
đành, đi ra một bước là sông nước, sình lầy, chẳng ai muốn khi chạy giặc
càn lại phải cõng thêm một đứa bé trên lưng.