Oanh thất vọng buồn rầu nhưng chưa nguội chí. Một hôm có chú cán bộ
về trú trong nhà, khi đi; Oanh "khăn gói" theo luôn, trong bụng chắc mẩm
là lần này thì khó ai từ chối. Có người "bảo lãnh", Oanh đủ lý do để gia
nhập quân giải phóng. Và đúng như thế, lần thứ hai cô gái toại nguyện,
được đơn vị địa phương nhận vào làm đội viên đội vận tải hậu cần của
Quân khu. Thế cũng được, còn hơn phải trở về, người ta cười cho chua mặt.
Nhưng vận tải đâu phải chuyện dễ ăn? ở chiến trường này có khi còn
gian nan hơn cầm súng chiến đấu. Con gái loắt choắt sức vóc chẳng là bao,
chỉ một thời gian ngắn, các chú lại phải chuyển cô sang trạm tiếp nhận tân
binh, một nhiệm vụ tĩnh tại hơn và xem chừng vừa sức với Oanh. Và từ cái
đầu dây mối nhợ này, Oanh trở thành người chiến sĩ của một đơn vị biệt
động Sài Gòn. Lòng ham mê chiến đấu đã đưa cô gái vào bước đường mới
mẻ đầy gian khó, đạn bom.
Giờ đây Oanh đứng giữa Sài Gôn thân yêu, mảnh đất thiêng liêng nơi
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cô đang cùng đồng đội vào tận hang ổ
tiêu diệt kẻ thù, thực hiện lời thề "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh". Oanh
thầm cảm ơn những ngày sôi bỏng và dữ dội đã trui rèn cho tuổi thanh xuân
thêm tươi đẹp và dẫn dắt cô vào trận đánh rung trời chuyển đất hôm nay.
*
* *
Đợt phản kích của địch dằng dai non một tiếng đồng hồ khiến đơn vị
lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: đạn hầu như đã hết. Từ khi nổ súng
chiến đấu, Ba Phong đã nghĩ tới chuyện này, nhưng không thể không tiêu
hao vũ khí trong suốt thời gian bọn giặc như một lũ điên lăn xả vào trận địa,
cố sống cố chết giải tỏa cổng 4. Đến bây giờ các chiến đấu viên đều báo cáo
chỉ còn cơ số đạn cuối cùng trong khi địch đang chuẩn bị tổ chức những đợt
xung phong quyết liệt hơn. Lúc này đạn là sinh mạng, là sự sống của đơn
vị, là điều kiện quyết định để duy trì cuộc chiến đấu. Không có đạn coi như