Bộ chỉ huy Quân khu đồng ý phương án này và chỉ đạo thêm: chọn giờ
cho mìn nổ vào thời gian tối ưu nhất để không gây thiệt hại cho công nhân
làm việc trong cảng. Cụ thể là cho nổ vào rạng sáng, lúc công nhân chưa
vào cảng... Sau đó dùng cơ sở tại chỗ nắm kết quả trận đánh; báo cáo chính
xác về Quân khu.
Sau khi nhận lệnh, Ba Náo trở vào Sài Gòn cùng cơ sở mật khẩn trương
chuẩn bị thiết bị chất nổ với rất nhiều công đoạn khó khăn như phải chuyên
chở về "điểm ém" hàng lô thuốc nổ TNT, thuốc mồi C4 (thuốc nổ mạnh),
kíp mìn, dây điện, pin, thiết kế bộ phận "điểm hỏa" (gây nổ). Trong thời
gian chuẩn bị, Ba Náo xây dựng thêm hai chiến đấu viên là Nguyễn Phú
Hùng và Nguyễn Văn Cậy để bổ sung vào tổ chiến đấu.
Khối nổ được kết cấu với trọng lượng 80 ki-lô-gam, bên trong đặt 8 kíp
nổ số 10, nối với bộ phận "điểm hỏa" (một hộp gồm nhiều cục pin kết lại) là
100 mét dây điện. Số nguyên liệu này do vợ chồng anh Tường, một cơ sở
biệt động trong vai thương lái chở cùng với trái cây từ ngoại thành cách xa
10 ki-lô-mét vào quận 1, Sài Gòn. Vợ Ba Náo bảo đảm việc cất giấu khối
thuốc nổ, còn ba của anh là người thiết kế con đường bí mật để đưa khối
thuốc nổ gắn vào sườn tàu Mỹ.
Để thật chắc ăn, Ba Náo xuống sông tắm bơi tận vào đường cống ngầm,
đo chiều cao, chiều rộng và tính toán làm sao cho xuồng chở khối nổ đi qua,
từ đó lặn xuống nước kéo thuốc nổ áp sát tàu địch.
Ngày 29 tháng 12 năm 1963, nhận được tin cơ sở mật báo có tàu US
Card chở pháo, thiết giáp M113 và máy bay cập bến Cảng Sài Gòn, Đội 65
liền tổ chức trận đánh. Ba Náo và Cậy theo đường cống đưa khối mìn 80 ki-
lô-gam cột vào sườn tàu, thao tác kỹ thuật gây nổ rồi rút lui an toàn. Nhưng
ác thay khối mìn có sức công phá cả tòa nhà im thít. Toi công! "Bỏ thì
thương vương thì tội" không lẽ công lao vất vả, khổ ải mấy tháng trời của
bao nhiêu người trôi theo sông Sài Gòn ra biển?! Đành phải làm lại thôi,
không còn cách nào khác.